Thứ 5, 01/05/2025, 11:00[GMT+7]

Giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Thứ 5, 01/05/2025 | 05:42:08
339 lượt xem
50 năm đã trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải, nhưng những ký ức về một thời chiến đấu hào hùng vẫn còn lắng đọng trong tâm trí nhiều thế hệ. Ở Thái Bình, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, công tác giáo dục truyền thống cho học sinh đang được triển khai bằng những cách làm sáng tạo, sâu sắc và giàu cảm xúc. Những hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu rõ về lịch sử dân tộc mà còn khơi dậy niềm tự hào, hun đúc tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Phong (Đông Hưng) trải nghiệm tại Trung đoàn Bộ binh 568 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Không khí đầm ấm, xúc động lan tỏa trong buổi giao lưu “Theo bước chân của những người anh hùng” tại Trường THPT Bắc Duyên Hà. Những câu chuyện kể về tháng ngày gian khổ thời chiến, những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ giải phóng, tinh thần đoàn kết, kiên cường của quân và dân, cùng khoảnh khắc cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng ngày 30/4/1975... như rút ngắn khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại. 

Cô và trò Trường THPT Bắc Duyên Hà chụp ảnh lưu niệm cùng cựu chiến binh Phạm Văn Lãi.

Qua buổi giao lưu, các em học sinh hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về ý nghĩa to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975. Từ đó, các em cảm nhận sâu sắc khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc kiên cường, bất khuất. Đồng thời được khơi dậy niềm tự hào khi biết đến sự hy sinh lớn lao của cha ông để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, càng thêm trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay. Thầy giáo Ngô Gia Chí, Bí thư Đoàn Trường THPT Bắc Duyên Hà cho biết: Công tác giáo dục truyền thống được nhà trường và Đoàn Thanh niên triển khai thường xuyên trong năm học. Riêng dịp này, Trường tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tìm hiểu về chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và những người con Thái Bình từng trực tiếp tham gia, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975. Em Đặng Ngọc Hiển, lớp 11A3, Trường THPT Bắc Duyên Hà chia sẻ: Chúng em được nghe những câu chuyện xúc động từ cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, được tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu lịch sử. Qua đó, em cảm nhận rõ sự ác liệt của chiến tranh và những mất mát của thế hệ đi trước. Em rất xúc động và tự hào khi là con cháu của những anh hùng dân tộc. Em tự nhủ phải học tập tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn để xứng đáng với sự hy sinh ấy. Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi (người đã cắm lá cờ giải phóng trên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất lúc 9 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975) chia sẻ: Thấy các cháu ham tìm tòi lịch sử, tôi cảm thấy rất vui mừng. Các cháu không chỉ muốn hiểu quá khứ, mà còn học được bài học để xây dựng tương lai. Sự tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay chính là niềm hy vọng lớn lao của dân tộc. 

Cùng với Trường THPT Bắc Duyên Hà, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” và trải nghiệm thực tế tại các đơn vị quân đội. Những việc làm thiết thực như thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng; dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức hành trình về nguồn... được tổ chức thường xuyên, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc và giúp học sinh nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Nhiều trường phối hợp với đơn vị bộ đội tổ chức cho học sinh tham quan, rèn luyện kỷ luật, tác phong người lính. Qua những buổi trải nghiệm tại doanh trại, các em thêm phần hiểu và cảm phục sự hy sinh thầm lặng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, từ đó hình thành những phẩm chất tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm trong học tập và cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Bích Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Phong (Đông Hưng) cho biết: Nhà trường lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Đạo đức, Tiếng Việt hay Giáo dục địa phương, các tiết kỹ năng sống. Chúng tôi đặc biệt kết nối để các em học sinh được gặp, trò chuyện trực tiếp với các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh tại địa phương. Từ đó, các em hiểu rằng những nhân vật làm nên lịch sử không chỉ có trên sách báo, phim ảnh mà ở ngay chính quê hương mình. 

Tại diễn đàn nói chuyện truyền thống được tổ chức giữa tháng 4, các thầy cô giáo và các em học sinh Trường THCS Việt Thuận (Vũ Thư) đã ôn lại lịch sử vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Đỗ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Việt Thuận (Vũ Thư) cho biết: Dù sinh ra trong thời bình, nhưng thế hệ trẻ hôm nay không được quên máu xương cha ông đã đổ xuống để có được hòa bình. Từ những bài học lịch sử, các em học sinh biết trân trọng hiện tại, sống có trách nhiệm hơn, ra sức học tập, rèn luyện để trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chặng đường 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta thêm trân quý giá trị của hòa bình, độc lập. Và trong hành trình tiếp nối ấy, những hạt giống yêu nước, trách nhiệm, lý tưởng sống đẹp đang được vun trồng từ chính mái trường, nơi chắp cánh cho những ước mơ xanh - từ quá khứ hào hùng đến tương lai rạng ngời của dân tộc. 

Giống như bao làng quê khác, xã Thụy Dân (Thái Thụy) có nghĩa trang liệt sĩ, nhưng đặc biệt hơn khi nơi đây còn có nghĩa trang 21/10 - nơi yên nghỉ của cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh. Những mất mát đau thương ấy mãi khắc sâu trong ký ức người dân địa phương. Cô giáo, liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân đã viết: “...Để sánh vai với người chiến sĩ ở trận tuyến giết giặc cứu nước, thì ở hậu phương, ở mái trường thân yêu này, đêm - ngày mình sẽ miệt mài bên trang giáo án, quyết tâm đóng góp công sức của mình làm cho sự nghiệp trồng người ngày càng thêm thay da, đổi thịt...”. Khi được nghe những câu chữ lắng đọng ngay tại nghĩa trang 21/10, em Lê Thanh Ngọc, học sinh Trường Tiểu học và THCS Thụy Dân rất xúc động. Em tâm sự: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng qua lời kể của thầy cô giáo, em rất cảm phục thế hệ ông cha ta ngày trước, càng cảm phục hơn những thầy cô giáo nguyện một lòng vì sự nghiệp trồng người của quê hương. Em tự nhủ sẽ cố gắng phấn đấu học tốt hơn nữa để xứng đáng là học sinh dưới ngôi trường giàu truyền thống cách mạng. 

Những hoạt động giáo dục truyền thống không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn là sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại, bồi đắp lòng biết ơn, khơi dậy ý chí vươn lên và trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Các em học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà thi rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử.

Phương Chi