Thứ 3, 13/05/2025, 23:15[GMT+7]

Khoa học - công nghệ Động lực thúc đẩy phát triển KT - XH

Thứ 6, 31/12/2010 | 17:21:17
1,953 lượt xem
Năm 2010 Sở KH&CN Thái Bình đã tích cực phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về KH&CN; các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào trong sản xuất đời sống.

Công ty cơ khí Quốc Hòa (Thành phố Thái Bình) kiểm tra kỹ thuật máy in do công ty chế tạo. Ảnh: Ngọc Trâm

Trong năm, đã có 76 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp ngành được UBND tỉnh phê duyệt. Để đảm bảo tính khả thi về tính hiệu quả của các đề tài, dự án KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thông báo công khai trên Website của Sở, trên Báo Thái Bình và Báo Khoa học và Phát triển của Bộ Khoa học và Công nghệ danh mục các đề tài, dự án KH&CN để các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học ở trong và ngoài tỉnh tham gia đăng ký tuyển chọn.

Hội đồng KH&CN đã tư vấn, tuyển chọn, xác định danh mục các đề tài, dự án, thẩm định nội dung thuyết minh và tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả đề tài theo đúng quy chế hiện hành. Hầu hết các đề tài, dự án đã xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và được bố trí tập trung hơn, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải.

Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất, công nghiệp và dịch vụ đã tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2010 đã sưu tầm phổ biến 3.500 tiêu chuẩn và quy chuẩn các loại, hướng dẫn cho 210 cơ sở sản xuất áp dụng 515 tiêu chuẩn Việt Nam; công bố hợp quy cho 72 sản phẩm hàng hóa, trong đó có 10 sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Đến nay toàn tỉnh đã có 2.976 sản phẩm hàng hóa các loại được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Đã kiểm định trên 11.200 phương tiện đo lường các loại; tổ chức 15 đợt thanh tra, kiểm tra ở 515 cơ sở sản xuất, kinh doanh về đo lường, chất lượng hàng hóa, đã phát hiện và xử phạt hàng trăm vụ vi phạm.

Công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ (SHTT) và an toàn bức xạ hạt nhân được triển khai tích cực, đã tổ chức 4 lớp tập huấn về Luật SHTT và các văn bản pháp luật có liên quan; hướng dẫn 37 doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với cục Sở hữu trí tuệ; tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 20 sản phẩm nổi tiếng của tỉnh tại Chợ Công nghệ và Thiết bị vùng đồng bằng sông Hồng (Techmart Quang Ninh) và Chợ Công nghệ và Thiết bị Thủ đô (Techmart Hanoi).

Chương trình áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại các doanh nghiệp và một số cơ quan quản lý Nhà nước đã được triển khai tích cực. Năm 2010 đã có 5 doanh nghiệp và 8 sở, ngành đăng ký áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh xây dựng, quảng bá thương hiệu; xây dựng chuyên đề, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động KH&CN của tỉnh.

Trong thời gian tới, hoạt động KH&CN cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội phải coi KH&CN là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, là quốc sách hàng đầu cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong tổ chức thực hiện và trong đầu tư cho phát triển KH&CN. Đối với Thái Bình, là tỉnh nông nghiệp lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Vì vậy, hàng năm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành phải có kế hoạch phát triển KH&CN; phải xác định hoạt động KH&CN là của toàn Đảng, toàn dân, là của các cấp, các ngành; phải động viên mọi tầng lớp nhân dân, đội ngũ trí thức tích cực tham gia phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiếp thu, ứng dụng nhanh chóng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

- Cần xác định chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm, việc lựa chọn công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, công nghệ vật liệu mới…là hướng ưu tiên để đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; trong đó các doanh nghiệp phải đi tiên phong trong hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN.

- Đổi mới cơ chế chính sách quản lý KH&CN, trọng tâm là cơ chế quản lý các đề tài, dự án KH&CN của tỉnh theo hướng ưu tiên, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún; áp dụng cơ chế khoán gọn thực hiện các đề tài, dự án KH&CN; cơ chế tuyển chọn, đấu thầu công khai các đề tài, dự án KH&CN trọng điểm của tỉnh để thu hút lực lượng cán bộ KH&CN có trình độ cao ở ngoài tỉnh tham gia; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý KH&CN từ tỉnh xuống cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về KH&CN.

- Xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao, các nghệ nhân và công nhân kỹ thuật bậc cao; cần tập trung xây dựng quy hoạch kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ KH&CN hiện có của tỉnh; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KH&CN trẻ, cán bộ trực tiếp làm việc ở cơ sở, công nhân kỹ thuật bậc cao; tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài, tạo môi trường, điều kiện làm việc, chính sách sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ KH&CN, chính sách tôn vinh, khen thưởng cho các tài năng sáng tạo KH&CN.

- Từng bước phát triển thị trường KH&CN ở địa phương, thông qua tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để cập nhật các tiến bộ KHKT, công nghệ mới. Các đề tài nghiên cứu, sáng kiến, sáng chế đã nghiên cứu thành công ở tỉnh ngoài để áp dụng vào tỉnh. Tiến tới hình thành sàn giao dịch công nghệ ở Thái Bình.

Lê Minh

(Giám đốc sở Khoa học - Công nghệ Thái Bình)

  • Từ khóa