Thứ 2, 28/04/2025, 17:23[GMT+7]

Tăng cường đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Thứ 2, 28/04/2025 | 10:08:51
527 lượt xem
Liên tiếp các đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả quy mô lớn bị phát hiện và triệt phá tại một số tỉnh, thành phố thời gian gần đây đang khiến dư luận bức xúc, hoang mang, lo lắng. Trước thông tin trên, ngành y tế Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra các sản phẩm sữa bột bày bán tại nhà thuốc Duy Thắng (Tiền Hải).

Mối nguy với sức khỏe cộng đồng 

Ngay sau vụ triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả nhắm tới người bệnh tiểu đường, suy thận, phụ nữ mang thai và trẻ sinh non, thiếu tháng, lực lượng chức năng lại tiếp tục triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả quy mô lớn với 21 loại thuốc giả và mới đây nhất là 2 sản phẩm thực phẩm chức năng giả dành cho trẻ em. Với số lượng gần 600 loại sữa bột giả, doanh thu gần 500 tỷ đồng được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây cho thấy số lượng người tiêu dùng đã mua phải các loại sữa này là rất lớn. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nguy hại hơn, các sản phẩm thuốc giả, sữa giả còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, gây bức xúc trong nhân dân. Nếu sử dụng thuốc giả, người dùng có thể bị nhiễm hóa chất độc hại, bệnh không được điều trị kịp thời, khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Sữa giả với các thành phần không như công bố sẽ khiến trẻ bị thiếu chất, chậm phát triển. Ông Nguyễn Văn Lanh, xã Minh Phú (Đông Hưng) chia sẻ: Sau khi đọc các thông tin về sữa giả, thuốc giả, tôi thực sự lo lắng và bức xúc bởi đây là các sản phẩm mà người bệnh, trẻ em thường dùng. Tôi mong muốn các lực lượng chức năng vào cuộc tích cực, tiếp tục điều tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, nghiên cứu bổ sung việc quản lý, xử lý các vi phạm về quảng cáo để mỗi sản phẩm quảng cáo phải bảo đảm chất lượng. 

Những vụ việc được phát hiện tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hại của thuốc giả, sữa giả đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, có thể vẫn còn những vụ việc chưa được phát hiện, xử lý tiếp tục cần sự vào cuộc từ các cơ quan chức năng. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm 

Ngày 24/4, đoàn kiểm tra của ngành y tế Thái Bình tiến hành kiểm tra tại một số nhà thuốc các bệnh viện, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn huyện Tiền Hải. Tại các nhà thuốc, đoàn tiến hành kiểm tra thủ tục, hồ sơ pháp lý; nhân sự của nhà thuốc; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản và việc thực hiện các quy định kinh doanh kiểm soát nguồn gốc thuốc, kinh doanh nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố (thực phẩm bổ sung vi chất, vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học); nhóm đăng ký bản công bố sản phẩm (thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi)... 

Ông Phí Đình Dương, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: Từ ngày 22 - 24/4, đoàn tiến hành kiểm tra tại 13 cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, các nhà thuốc đều cung cấp được hồ sơ pháp lý đầy đủ; chưa phát hiện thuốc quá hạn, thuốc đình chỉ lưu hành, thuốc bị đề nghị thu hồi theo văn bản của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Việc quản lý giá tại các nhà thuốc bệnh viện được thực hiện tốt. Tại các nhà thuốc, trang phục biển hiệu đầy đủ, hàng hóa sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, điều kiện bảo quản tốt cả về nhiệt độ, độ ẩm. Sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Kiểm tra ngẫu nhiên một số sản phẩm của cơ sở có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Về các loại sữa giả mới được công bố, qua truy xuất dữ liệu bán trong thời gian qua, các cơ sở đều cam kết không bán các sản phẩm sữa giả này. 

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, thanh tra tại các nhà thuốc và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, đoàn sẽ kiểm tra khoảng 20 - 30 cơ sở. 

Cùng với hoạt động kiểm tra, nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, Sở Y tế cũng có văn bản chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn thường xuyên cập nhật các văn bản về quản lý chất lượng thuốc, xử lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm vi phạm thông qua mạng văn phòng và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với thuốc có nguy cơ làm giả, kém chất lượng, báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện về Sở Y tế. Các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, thông tin tới cơ sở cung ứng, sử dụng thuốc, người dân biết để không buôn bán, sử dụng các loại sữa giả, thuốc giả... Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng có văn bản tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám chữa bệnh, trong đó đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định về kê đơn, chỉ định, sử dụng thuốc; quán triệt, chỉ đạo toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị không tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho người bệnh, người nhà người bệnh; xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm... 

Ngành y tế khuyến cáo 

Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) được xác định là hàng giả (theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an) và khuyến cáo người dân không sử dụng 72 sản phẩm sữa của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood đang được tiếp tục điều tra. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cảnh báo về thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường với 4 sản phẩm giả gồm: viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), viên nén Tetracyclin TW3 do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3 sản xuất; viên nén Pharcoter (Codein base 10mg, Terpin hydrat 100mg), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco) sản xuất; sản phẩm giả thuốc Neo-Codion và 16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành như: nhức khớp tê bại hoàn, gai cốt hoàn, đa xoang mũi, viên vai cổ, thoái cốt hoàn plus... 

Ông Phí Đình Dương, Chánh Thanh tra Sở Y tế khuyến cáo: Người dân cần đến các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép uy tín để mua thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; không mua các sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Lựa chọn sản phẩm uy tín, có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng; kiểm tra bao bì sản phẩm, thông tin nhà sản xuất, hạn sử dụng, số lô trên bao bì sản phẩm... trước khi mua; cảnh giác với thuốc bán online, hạn chế mua thuốc theo lời quảng cáo. Sử dụng thuốc phải theo chỉ dẫn của dược sĩ, bác sĩ. Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả báo ngay cho cơ quan chức năng.

Từ ngày 22 - 24/4, đoàn kiểm tra của ngành y tế đã tiến hành kiểm tra tại 13 cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày