Thứ 5, 24/04/2025, 13:55[GMT+7]

Chú trọng quản lý hoạt động cứu hộ động vật hoang dã

Thứ 5, 24/04/2025 | 08:36:16
218 lượt xem
Việc quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD), không để lợi dụng biến tướng thành các hoạt động mua bán trái phép đang được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện.

Lực lượng chức năng thu giữ cò, vạc săn bắt trái phép tại xã Vũ Lăng (Tiền Hải).

Những năm qua, công tác quản lý ĐVHD trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình đăng ký gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài ĐVHD, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, giảm áp lực săn bắt các loài ĐVHD trong tự nhiên, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm. Hiện toàn tỉnh có 49 cơ sở gây nuôi ĐVHD. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Song song với cấp phép gây nuôi, việc quản lý chặt chẽ loại hình chăn nuôi đặc thù này cũng rất quan trọng. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đưa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước về quản lý, bảo vệ ĐVHD vào cuộc sống. Đồng thời, vận động cán bộ, công chức và nhân dân không vi phạm pháp luật, không sử dụng các sản phẩm ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp.

Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm phổ biến nhiều văn bản quan trọng như: Chỉ thị số 04/ CT-TTg, ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến tăng cường kiểm tra, bảo vệ chim hoang dã và thực thi pháp luật bảo tồn thiên nhiên. Việc lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp thôn, xã, sinh hoạt đoàn thể... đã giúp nâng cao đáng kể nhận thức của cộng đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã chủ động giao nộp các cá thể động vật nuôi nhốt không rõ nguồn gốc, chấm dứt hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sống tự nhiên. Năm 2024, Chi cục tổ chức 7 vụ cứu hộ ĐVHD, tiếp nhận và bàn giao 18 cá thể cho các trung tâm cứu hộ động vật chuyên trách để chăm sóc, hồi phục và thả về môi trường tự nhiên. Trong đó có 11 cá thể khỉ, 1 cá thể cu li nhỏ, 2 cá thể chim cao cát bụng trắng và 2 cá thể diệc hoa Miến Điện. Quý I/2025, Chi cục tiếp nhận và cứu hộ 2 cá thể gồm: 1 cá thể rùa núi vàng và 1 cá thể khỉ vàng tại xã Việt Hùng (Vũ Thư). Ngay sau khi tiếp nhận, hai cá thể đã được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ tại Vườn Quốc gia Cúc Phương để chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe và thả về môi trường tự nhiên theo quy định của pháp luật.

Cùng với hoạt động cứu hộ, công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển và nuôi nhốt trái phép ĐVHD cũng được thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Chi cục đã phối hợp với UBND các xã tổ chức 67 cuộc kiểm tra, trên cơ sở đó phát hiện và xử lý 32 vụ vi phạm liên quan đến bẫy, bắt các loài chim hoang dã như cò, vạc, diệc...; đồng thời, tháo dỡ và tiêu hủy 6.940m lưới, tái thả tại chỗ 60 cá thể chim còn khỏe mạnh trở lại tự nhiên. Các tang vật như loa, âm ly, bình ắc quy cũng được bàn giao cho công an xã để tiếp tục xử lý theo quy định. Tại huyện Tiền Hải, qua 16 cuộc kiểm tra tại 11 xã đã phát hiện và xử lý 19 vụ vi phạm, tiêu hủy 3.790m lưới và tái thả 50 cá thể cò, vạc, diệc. Tại huyện Thái Thụy, qua 11 cuộc kiểm tra tại 8 xã đã phát hiện 13 vụ vi phạm, tháo dỡ 3.150m lưới, tái thả 10 cá thể chim. Tại các huyện như: Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, qua kiểm tra không phát hiện vụ việc vi phạm, cho thấy công tác quản lý tại chỗ và nhận thức người dân trên địa bàn các huyện có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác cấp mã số cơ sở nuôi và xác nhận nguồn gốc lâm sản được thực hiện đúng quy định. Từ năm 2023 đến quý I/2025, Chi cục đã tổ chức kiểm tra cấp mã số cơ sở nuôi và xác nhận bảng kê lâm sản cho các cơ sở khi có nhu cầu với tổng số 90 hồ sơ, tất cả các hồ sơ đều hoàn thành đúng và trước hạn, bảo đảm quy trình chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Công tác tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác từ người dân về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ ĐVHD cũng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Nhằm chung tay trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn đa dạng sinh học, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kết hợp tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại ĐVHD, góp phần phát triển bền vững và gìn giữ những giá trị tự nhiên cho các thế hệ mai sau.

Chi cục Kiểm lâm tiếp nhận cá thể khỉ vàng và rùa núi vàng từ người dân xã Việt Hùng (Vũ Thư). 


Đức Dũng