Thứ 7, 05/04/2025, 12:01[GMT+7]

Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La thì về

Thứ 6, 04/04/2025 | 20:36:05
887 lượt xem
“Đã là con mẹ, con cha / Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La thì về”. Cứ vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hàng năm, trong niềm hân hoan cùng đồng bào cả nước hướng về cội nguồn dân tộc, tại vùng đất cổ Đa Cương hương (nay là huyện Hưng Hà), nhân dân và du khách thập phương lại nô nức trở về lễ hội Tiên La, tri ân công lao to lớn của Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục. Với nhiều nghi thức tế lễ được bảo lưu theo đúng định lệ cổ truyền, lễ hội là dịp thể hiện tấm lòng của thế hệ hôm nay với truyền thống dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò người phụ nữ trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Nhân dân nô nức tham gia lễ hội Tiên La.

Uy linh thánh Mẫu hộ quốc an dân

Theo thần tích, vào thời Hán, ở trại Phượng Lâu (thuộc tỉnh Phú Thọ), Vũ Thị Thục là người con gái không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn văn võ song toàn, yêu nước thương dân. Bị Thái thú Tô Định ép làm vợ, bà cự tuyệt. Tô Định nổi giận tàn sát gia đình bà và phá bỏ trại Phượng Lâu. Thục Nương được người làng chở che, xuống thuyền xuôi dòng sông Hồng đến Tiên La, nương thân nơi cửa Phật. Tại đây, bà mộ quân, luyện tập binh mã để đền nợ nước, trả thù nhà, dựng cờ mang chữ “Bát Nạn tướng quân”. Đôi bờ sông Tiên Hưng thuở ấy ngày đêm vang vọng tiếng mài gươm, luyện võ. Vì nghĩa lớn, nặng tình riêng, gặp lúc Hai Bà Trưng truyền hịch khắp nơi, hô hào nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc Hán, Thục Nương dẫn đầu đội quân vùng Đa Cương hợp sức chống quân xâm lược. 

Đền Tiên La, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) được công nhận di tích quốc gia năm 1986.

Mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng toàn thắng, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Sau khi lên ngôi, Trưng Vương khao thưởng quân sĩ, ban phong Bát Nạn tướng quân là Đông Nhung đại tướng quân, đứng đầu các tướng. Bà từ chối tước lộc, sau khi tế cha, xuôi thuyền về Tiên La cùng nhân dân mở mang thêm chợ, trồng dâu nuôi tằm, tu sửa đền miếu.

Để phục thù, nhà Hán sai Phục Ba Mã Viện – viên tướng lão luyện trong chiến trận đem 20 vạn quân sang tái chiếm nước ta. Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục thống lĩnh quân tiên phong cùng Hai Bà Trưng giao chiến ác liệt. Trước thế giặc rất mạnh, Hai Bà Trưng rút quân về Hát Môn, Phú Thọ rồi anh dũng hy sinh. Bát Nạn tướng quân cùng quân sĩ lui về vùng Đa Cương hương tiếp tục kháng chiến. Khi quân lương cạn kiệt, bà tuẫn tiết tại gò Kim Quy. Nhân dân đời nối đời tôn vinh, truyền tụng, lập đền thờ ngày đêm hương khói, tưởng nhớ công đức của Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục. Các triều đại sau đều có truy phong bà làm thần. Đời vua Lê Thánh Tông sắc phong Ý Đức Đoan Trang Trinh Thục công chúa. Đời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) sắc phong Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần. Đời vua Khải Định sắc phong Dực Bảo Trung Hưng linh phù thượng đẳng thần…

Gần 2.000 năm đã trôi qua, quần thể khu di tích thờ Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục tại vùng đất cổ Đa Cương hương khi xưa đã từng bước xứng tầm với công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc, là một trong những điểm đến du lịch văn hóa tâm linh không thể bỏ lỡ trên miền quê lúa Thái Bình. Nghệ nhân ưu tú Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) bày tỏ: Từ tấm lòng chung tay góp sức của nhân dân, trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đến nay đền Tiên La thờ Bát Nạn tướng quân có quy mô rộng lớn, đặc sắc cả về địa thế và vóc dáng. Vào những dịp như đầu xuân năm mới, khai hội đền Tiên La, di tích đều đón rất đông nhân dân địa phương và du khách thập phương dâng hương, vãn cảnh, tưởng nhớ, tri ân người nữ tướng anh hùng có công lao to lớn với quê hương, đất nước.

Nhân dân nô nức tham gia lễ hội Tiên La.

Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh

Lễ hội Tiên La diễn ra hàng năm tại di tích đền Tiên La, đền Buộm, đền Rẫy. Đây là các di tích quốc gia thuộc xã Đoan Hùng, xã Tân Tiến (Hưng Hà). Dù lễ hội Tiên La được mở từ ngày 10/3 âm lịch nhưng ngay từ những ngày đầu tháng, nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đã nô nức trở về lễ Mẫu, cầu xin sức khỏe, bình an cùng mong muốn may mắn được tham gia, chứng kiến nghi lễ hầu đồng bởi lễ hội Tiên La không thể thiếu các giá hầu đồng của thanh đồng khắp nơi. Để một giá đồng trang nghiêm với đúng tinh thần của đạo Mẫu, phục trang, âm nhạc, diễn xướng đều được nâng lên đến tầm nghệ thuật tinh tế. Trong mỗi giá đồng, thanh đồng tập trung tinh thần để thể hiện tính cách, cuộc đời của vị thánh đang ngự bóng với những chiến công oanh liệt, giúp dân giúp nước, thông qua các điệu múa từ uy nghi, uyển chuyển đến vui tươi, khiến cho người tham gia buổi hầu càng theo dõi càng say mê. Bởi sự chuẩn bị kỳ công nên không khí lễ hội ngày xuân càng thêm lan tỏa. Lễ hội Tiên La đã trở thành điểm hẹn của du khách mọi miền.

Ông Dương Văn Phong, du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh hồ hởi chia sẻ: Năm nào chuẩn bị đến ngày giỗ Mẫu, cả đại gia đình chúng tôi cũng về đền Tiên La để hòa vào không khí lễ hội, cầu xin sức khỏe, bình an cho tất cả mọi người. Mong sao những giá trị văn hóa cổ truyền luôn được bảo lưu để nhân dân khi tham gia lễ hội là cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng, truyền thống uống nước nhớ nguồn. Những câu chuyện về Bát Nạn tướng quân, những bài hát chầu văn ca ngợi nữ tướng làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc.

Thực hành nghi lễ hầu đồng tại đền Tiên La.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng, ban quản lý di tích đền Tiên La cho biết: Từ năm 2016, lễ hội Tiên La được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định tầm quan trọng và giá trị văn hóa sâu sắc của sự kiện này. Năm nay, trong lễ hội, các hoạt động phần lễ bao gồm: lễ khai mạc, lễ bái yết, lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa của Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục diễn ra theo định lệ cổ truyền. Các hoạt động phần hội tổ chức đa dạng như: thi giã bánh dày, thi cờ biển, liên hoan các CLB chèo, têm trầu cánh phượng, pháo đất, liên hoan hát văn, kéo co… sẽ thu hút sự tham gia của nhân dân trong và ngoài huyện.

Ôn lại trang sử hào hùng thông qua lễ hội là dịp để mỗi người thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, thêm yêu và gắn bó với vùng quê kiên cường đã có bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Đồng thời, với sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, chuỗi hoạt động tại lễ hội Tiên La sẽ góp phần phát triển du lịch trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống - một trong những nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tú Anh