Thứ 2, 19/05/2025, 13:05[GMT+7]

Hát dân ca ở Thái Bình

Thứ 2, 19/05/2025 | 09:06:51
327 lượt xem
Trong truyền thống, Thái Bình ngoài đặc sản chèo và ca trù còn có một số loại hình dân ca khác, trong đó tiêu biểu và phổ biến hơn cả là hò chèo thuyền, hát đò đưa, hát đúm, hát ru. Xét về cả ba yếu tố: diễn xướng, lời ca, phong cách âm nhạc thì dân ca Thái Bình mang đậm sắc thái văn hóa của vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ.

Nghệ thuật chèo Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2023.

Vào thời xa xưa, người dân ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ ngoài việc chèo thuyền đánh cá trên sông, trên biển còn là chèo thuyền vận tải hàng hóa giao thương hoặc chuyên chở hành khách trên sông nước qua lại các vùng miền. Câu tục ngữ “nhất cận thị nhị cận giang” vốn được nảy sinh từ môi trường lịch sử đó. Hò chèo thuyền đánh cá của người dân chài lưới vùng ven biển ở Thái Bình vốn có từ lâu đời, được hình thành trên cơ sở xướng và xô. Xướng là người bắt cái, người khởi xướng câu hò đầu tiên để vào cuộc. Người bắt cái giữ vai trò nòng cốt từ đầu đến cuối cuộc hò. Vì thế người xuớng phải có giọng hò hay, sáng tạo, ứng tác kịp thời để gây không khí hào hứng, lôi cuốn tập thể hưởng ứng, gọi là “xô”. Có hai cách hò: hò đơn và hò kép.

Hò đơn là cách hò do người xướng dùng hai tiếng một tách ra từ một câu hay một bài sao cho mỗi nhịp đôi ăn khớp với nhịp hò “Dô ta này”. Ngay từ khi chuẩn bị vào cuộc hò, các tay chèo đẩy đã sẵn sàng chờ khi người bắt cái dứt tiếng “Dô ta này” thì tất cả cùng nhấn mạnh đồng loạt vào âm “Dô” chèo đẩy cho khớp nhịp và thống nhất động tác. Gần tới đích thì tiết tấu của câu hò chậm dần lại rồi dừng lại ở điểm đậu của con thuyền. Ví dụ câu: “Muốn ăn cá bổng cá hiên/Chạy về bảo mẹ đóng thuyền mà đi” đã được cắt nhịp thành: “Muốn ăn/ Dô ta này/ Dô ta này! Cá bống/ Dô ta này/ Dô ta này! Cá hiên/ Dô ta này/ Dô ta này! Chạy về/ Dô ta này/ Dô ta này! Bảo mẹ/ Dô ta này/ Dô ta này! Đóng thuyền/ Dô ta này/ Dô ta này! Mà đi/ Dô ta này/ Dô ta này!”.

Hò kép cũng hò giống nhịp điệu của hò đơn, nhưng điểm khác cơ bản là khi người xướng ngắt hết ba tiếng “Dô ta này” thì tập thể “xô” bằng bốn tiếng “Dô ta, dô ta”. Tuy có nhiều câu hò do sự liên kết về ngữ nghĩa, nên số từ có thể tăng lên ba hoặc bốn, nhưng vẫn bảo đảm đúng nhịp. Như vậy, nếu không tính âm láy đệm nhẹ “này” ở cách xô đơn “Dô ta này”, thì xô kép số âm phát ra gấp hai xô đơn. Hò kép phong cách dài hơn, thường sử dụng khi kéo thuyền mắc cạn nhẹ trên bãi bùn lầy hoặc lúc thuyền buồm đi đều trên một chặng đường dài. Ví như câu: “Nước lên cá đối ăn lên/ Nước ròng cá đối nằm bên miệng bờ/ Thương cá khỏi nước chịu khô/ Thương cho anh những trông chờ uổng công” được thể hiện dưới dạng: “Nước lên/ dô ta này/ dô ta! dô ta! Cá đối/ dô ta này/ dô ta! dô ta! Ăn lên/ dô ta này/ dô ta! dô ta!...”.

Khác với hò chèo thuyền, hát đò đưa là những câu, những bài hát của những người đánh cá, hoặc của các chân sào cho những thuyền buôn, thuyền vận tải ở vùng sông nước. Hát đò đưa giàu chất trữ tình, có âm hưởng du dương, vang vọng khắp mọi nẻo sông. Thuở xưa trai gái ở các triền sông thường hát vào lúc đêm khuya thanh vắng, khi thuyền trôi xuôi ngược trên sông. Cách hát đò đưa giản dị, tự nhiên. Người chân sào chống con sào xuống đáy sông, hai tay cầm đầu sào tỳ về phía trước bả vai, rồi lấy sức chống sào đi ngược chiều về phía mũi thuyền, đẩy thuyền đi. Lúc nhổ sào, quay lại đi thong thả về vị trí cũ, tức là hết một cội sào, vừa nghỉ vừa cất lên câu hát. Nhịp nghỉ, nhịp hát còn tùy thuộc vào người chân sào chống đò trong bối cảnh thuyền xuôi dòng hay ngược dòng, xuôi gió hay ngược gió... Có trường hợp đò đang đi trong đêm khuya, họ ngồi trong mạn thuyền hát cho nhau nghe. Hát đò đưa có hai lối: hát bỏ lửng và hát đường trường.

Hát đò đưa bỏ lửng thường mở đầu câu hát bằng tiếng “ơ...” ngân rất dài, uyển chuyển. Tiếng “ớ” đệm ở đầu câu và giữa câu hát biểu lộ chất trữ tình man mác. Người hát đang hát thì ngắt nhịp bỏ câu hát nửa chừng, gây một ý niệm chờ đợi. Đò đi được một quãng trên sông, tiếng hát lại vọng lên tha thiết. Hát đò đưa bỏ lửng thường diễn ra lúc buồm xuôi gió thuận công việc chèo đẩy thanh nhàn hơn, đò xuôi dòng đi nhè nhẹ trên sông. Ví như một khúc hát: Nữ: “Đêm khuya nước lặng gió yên/Sào nào không nhổ sang thuyền mà chơi”. Nam: “Thuyền đây nhớ lắm biển ơi/Mắc dinh quan thượng biết xuôi đường nào”. Nữ: “Sông kia ai cấm ai rào/ Muốn xuôi thì nộp thuế vào mà xuôi”...

Hát đò đưa đường trường thường hát vào những khi thuyền bè đông vui cùng đi một chuyến trên sông, trai gái hát đối đáp tỏ tình với nhau. Do phải tuân theo quy luật của nhạc điệu thơ ca cho nên mỗi người có thể hát một cách khác nhau. Giai điệu thay đổi ít nhiều tùy theo điều kiện tâm lý và hoàn cảnh cụ thể, nên nét nhạc biến hóa rộng rãi hơn. Ví dụ: “Con gà rừng mày tốt mã khoe lông/Chẳng cho đi chọi nhốt lồng làm chi/Thầy mẹ ơi con đã đến thì/Mười lăm mười tám con đi lấy chồng/Con ra đường kẻ có con không/ Con xấu hổ với chúng bạn cực lòng mẹ cha/Con biết lấy ai quà bánh biếu bà/Con biết lấy ai bù đậy để cha mẹ nhờ”...

Nếu như hát đò đưa thường diễn ra ở các triền sông thì hát đúm là một hình thức hát dân ca phổ biến hơn nhiều làng quê. Hát đúm tồn tại hai dạng là hát vặt và hát đám. Làn điệu hát ví nói là điệu cơ bản nhất của hát đúm, nhưng trong hát đúm ở Thái Bình, có cả hát đò đưa, trống quân, sa mạc...

Hát vặt là hình thức hát tự do không theo một trình tự nội dung nào. Khi đang làm việc ngoài đồng, anh thợ cày ngừng tay nảy ra câu hát: “Hò...ớ... hò/ Hỡi cô xách đôi (mà) quang (ớ) mây/Có thiếu đòn gánh, sang đây (chứ) anh đẽo giùm/Hỡi cô đội nón (mà) ba (ơ) tầm/Hữu duyên hay đã cầm nhầm duyên ai (ơ... hò)...” và cô thợ cấy ở thửa ruộng gần kề đã đáp lại: “Hò... ơ... hò/Anh kia cầy cánh (mà) ruộng (ơ) sâu/Luống cầy đã thẳng, con trâu lại thuần (ơ... hò)/Nông sâu đã biết (mà) nhau (ơ) rồi/Lẽ nào kẻ đứng người ngồi (đi) ngoảnh đi (ơ... hò)”.

Hát đám là hình thức hát tập thể thường xuất hiện trong những dịp hội hè, đình đám, lễ tết. Trai gái trong làng hoặc trai gái làng trên xã dưới, cùng đến dự hội hát giao duyên với nhau. Hát đám thường chia làm ba chặng: hát chào, hát tỏ tình, hát tiễn chào.

Hát chào, hát thách, hát đố là những câu hát ngắn mở đầu cuộc hát, tự giới thiệu mình với bạn hoặc gợi ý mời bạn hát. Ở chặng này bài hát mang không khí hồ hởi vui tươi. Ví dụ khúc hát: “Một đàn cò trắng kia ơi/Có nghe ta hát những lời này không/Hát câu đẹp cốm đẹp hồng/ Hát câu nên vợ nên chồng cò ơi”...

Hát tỏ tình, giao duyên, nguyện ước là phần hát dài hơn tất cả. Nó chứa đựng nhiều nội dung và được thể hiện bằng ngôn ngữ trữ tình đằm thắm. Tình yêu đôi lứa của các chàng trai, cô gái được thổ lộ bằng những hình tượng ví von, so sánh. Ví như: “Gặp đây xin hỏi câu này/Nước mưa trong vại còn đầy hay vơi/Bấy lâu vắng hạt mưa rơi/Bấy lâu vắng tiếng vắng lời chào nhau/Bao giờ gió đưa hương cau/ Để cho em hái lá giầu em têm”...

Hát tiễn chào là những câu hát kết thúc của đám hát. Đó là vài câu hát ngắn ngủi để chia tay nhau, gây ấn tượng để mỗi người ghi nhớ hơn lời hẹn ước của mình. Có những câu, những bài trong câu hát tiễn chào, như những lời thề vàng đá. Ví dụ: “Bây giờ giăng đã xế tà/Chia tay chẳng dứt lời ta chẳng mình/Nàng về hương lại để đây/Anh ấp vào chiếc áo này nàng ơi”...

Hát ru là loại tự sự dân ca giàu chất trữ tình, phổ biến ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Hát ru ở Thái Bình mang đặc trưng của lối hát ru đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện tương đối thống nhất về tiết tấu nhạc điệu và cách đưa hơi trong giọng hát, nhưng về phong cách âm nhạc và nội dung cụ thể của từng bài vẫn có những nét riêng. Ở vùng phía Bắc Thái Bình, câu hát ru mở giọng thường mở đầu bằng một loại tiếng cùng âm khác dấu, khuyết phụ âm đầu và gần đến cuối nhịp âm tiết biến đổi vần đột ngột, trước khi dẫn vào nội dung chính của bài hát. Ví dụ: “À á à à...ơi/Con cò lặn lội bờ ao/Ăn sung chát (ớ ...ơ...) ăn đào đào chua”. Ở phía Nam, Đông Nam tỉnh lại dùng câu hát đưa hơi bằng một loạt tiếng đồng âm khác dấu như: “Bồng bồng bông bống bang bang”, “Ru hời ru hỡi ru hơi”, “Hạ há hà hà hà hơi”... Ví dụ: “Hạ há hà hà hà hơi.../Con tôi buồn ngủ buồn nghê/Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà/Nhà còn có một quả cà/Làm sao đủ miếng cơm và cho con/Con tôi khóc héo khóc hon/Khóc vòi quả thị méo trôn đầu mùa/Con thèm phẩm oản trên chùa/ Thèm quả chuối ngự tiến vua của làng/ Con thèm hạt cốm làng Ngang/Con thèm ăn quả dưa gang chợ Quài...”.

Các loại hình dân ca, dân vũ là di sản văn hóa phi vật thể vốn chỉ tồn tại ở môi trường lao động, môi trường sống, môi trường xã hội tương thích. Ngày nay khung cảnh đẩy thuyền trên sông và chèo thuyền đánh cá đã thưa vắng dần và cũng không còn không gian cho hò chèo thuyền, hát đò đưa, hát đúm tồn tại. Trẻ sơ sinh đến độ tuổi mầm non cũng ít được nghe tiếng hát ru. Đó là một trong những điều khiến nhiều người cao tuổi luôn trăn trở về việc làm thế nào để bảo tồn các loại hình dân ca ở mỗi địa phương một cách thiết thực.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương