Thứ 5, 08/05/2025, 05:15[GMT+7]

Cách công nghệ giúp Mật nghị Hồng y 'siêu bảo mật'

Thứ 4, 07/05/2025 | 11:20:42
645 lượt xem
Cắt sóng điện thoại, dùng thiết bị gây nhiễu tín hiệu giúp đảm bảo "bí mật tuyệt đối" cho Mật nghị Hồng y bầu tân Giáo hoàng.

Các hồng y trong thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 2/5.

133 hồng y từ khắp thế giới đã có mặt ở Rome, tập trung tại Nhà nguyện Sistine để dự mật nghị từ ngày 7/5.

Trong nhiều thế kỷ, người lãnh đạo Giáo hội Công giáo sẽ được chọn trong cuộc họp siêu bảo mật, gọi là "conclave", có nghĩa "có chìa khóa" trong tiếng La-tinh, phản ánh các hồng y bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài cho đến khi tìm ra giáo hoàng mới. Họ bị cô lập bên trong Nhà nguyện, tuyên thệ tuân thủ "bí mật tuyệt đối và vĩnh viễn" - một quy trình phức tạp có từ thời Trung cổ.

Tuy nhiên, ở thế giới hiện đại, sự phổ biến và đa dạng của hệ thống liên lạc có thể phá vỡ "bí mật tuyệt đối". Hàng loạt giải pháp đã được đưa ra để ngăn chặn, nhất là sau sự cố năm 2005, khi một hồng y người Đức tiết lộ thông tin về cuộc bầu chọn qua tin nhắn, trước khi có thông báo chính thức.

Cắt sóng điện thoại, Internet

"Toàn bộ tín hiệu di động trên lãnh thổ Vatican sẽ bị vô hiệu hóa từ 15h ngày 7/5. Sóng điện thoại sẽ được khôi phục sau khi mật nghị công bố kết quả bầu tân giáo hoàng", Văn phòng Chủ tịch Phủ Thống đốc Thành Vatican ngày 5/5 thông báo.

Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni sau đó cho biết sóng điện thoại sẽ không bị cắt tại khu vực Quảng trường Thánh Peter ở trung tâm Tòa Thánh, nơi hàng nghìn tín đồ dự kiến tập trung để chờ thông báo về người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

Năm 2013, trong mật nghị bầu Giáo hoàng Francis, các thiết bị chặn tín hiệu lần đầu được lắp đặt để ngăn cuộc gọi, tin nhắn, việc truy cập Internet. Theo CNN, khi đó, ngay cả thợ điện, thợ sửa nước hay người vận hành thang máy làm trong Nhà nguyện Sistine suốt mật nghị cũng phải cam kết giữ bí mật.

"Họ đều tuyên thệ và sẽ phục vụ toàn thời gian, nghỉ qua đêm tại Vatican, không được liên lạc với gia đình", theo thông báo trên Vaticanstate.

Dùng thiết bị nhiễu sóng

Reuters đưa tin, khi bầu Giáo hoàng năm 2013, Nhà nguyện Sistine được trải một lớp "sàn giả" đè lên nền gạch lát. Lớp này chứa hệ thống gây nhiễu điện tử để chặn mọi tín hiệu phát ra từ nhà nguyện. Mục sư Thomas Rosica thuộc Văn phòng Báo chí của Tòa thánh Vatican sau đó bác bỏ. Thay vào đó, ông nói thiết bị gây nhiễu được lắp đặt ở khu vực cao trên tường "như một tấm khiên trên máy bay".

Dù vậy, theo NPR, Vatican được cho là sẽ sử dụng hệ thống nhiễu sóng lót thảm cho Mật nghị Hồng y ngày 7/5. "Sàn đang được lắp tại Nhà nguyện Sistine, có công nghệ chặn điện thoại di động đặc biệt để giữ thông tin giữa bên trong và bên ngoài", trang này cho biết. Phía Vatican không đưa ra bình luận.

Cũng năm 2013, Vatican lần đầu trang bị hệ thống quét thông minh, cho phép tự động phát hiện thiết bị nghe lén, đảm bảo không có micro, camera ẩn nào xuất hiện. Một lồng Faraday ngăn sóng điện từ cũng được lắp quanh Nhà nguyện để chặn tín hiệu, theo La Stampa.

Trước đó, năm 1996, cựu Giáo hoàng John Paul II ban hành luật cấm thiết bị điện tử, radio, báo, tivi và máy ghi âm. Một bộ phận làm nhiệm vụ "kiểm tra cẩn thận và chặt chẽ" với "những cá nhân đáng tin cậy có năng lực kỹ thuật", đảm bảo không có thiết bị được lắp đặt bí mật để ghi âm và truyền ra bên ngoài trong mật nghị.

Bên cạnh đó, Vatican yêu cầu các hồng y, người phục vụ... tuyên thệ bí mật, "thề không sử dụng bất kỳ loại máy phát, thu hoặc thiết bị chụp ảnh nào" ngay cả sau khi bầu ra giáo hoàng mới, trừ khi được cấp "quyền hạn đặc biệt và sự cho phép rõ ràng".

Cấm thiết bị bay không người lái

Theo Corriere della Sera, chính quyền Italy đã triển khai hệ thống chống máy bay không người lái, "sẵn sàng vô hiệu hóa" bất kỳ thiết bị nào có thể xuất hiện trên bầu trời Rome, chủ yếu phục vụ cho lễ tang Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, hệ thống được cho là cũng được duy trì để phục vụ Mật nghị Hồng y.

Theo: vnexpress.net