Thứ 3, 29/04/2025, 19:49[GMT+7]

Phụ nữ “Ba đảm đang” ở Thái Bình

Thứ 3, 29/04/2025 | 09:22:52
552 lượt xem
Thái Bình - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, không chỉ nổi danh với những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi mà còn là nơi sinh ra những phụ nữ “Ba đảm đang”, tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bền bỉ, giàu lòng yêu nước. Chiến tranh đã lùi xa nhưng người phụ nữ Thái Bình như những bông hoa bền bỉ giữa thời bình, góp phần viết tiếp trang sử mới cho quê hương.

Bà Phạm Thị Nậng, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) kể lại những kỷ niệm thời chiến với phóng viên.

Từ phụ nữ thời chiến... 

Giữa vô vàn tấm gương phụ nữ “Ba đảm đang” thời chiến, bà Phạm Thị Nậng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hà (nay là xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) là một tấm gương tiêu biểu, cả đời lặng lẽ cống hiến cho quê hương, đất nước. Dù đã ngoài 80 tuổi, giọng bà vẫn mạnh mẽ, ánh mắt vẫn sáng ngời như phản chiếu những năm tháng gian khổ mà hào hùng. 

Bà Nậng lớn lên trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, nghèo khó nhưng bà không ngại xắn tay cùng nhân dân cải tạo đồng ruộng, khôi phục sản xuất. Chính trong khói lửa chiến tranh, ý chí vươn lên và khát vọng cống hiến của bà đã sớm hình thành. Từ năm 1964 - 1969, bà theo học tại Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh. Ra trường, bà được phân công làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã. Từ năm 1970 - 1977, bà đảm nhiệm cương vị Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hà. Ở tuổi chưa đến 30, gánh vác trọng trách lớn lao trong bối cảnh vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bà không khỏi lo lắng. Nhưng chính trong thử thách, bản lĩnh và tinh thần phụ nữ “Ba đảm đang” đã được rèn giũa và tỏa sáng. Không chỉ giỏi công tác tổ chức, vận động quần chúng, bà Nậng còn luôn chú trọng học tập, bồi dưỡng lý luận. Từ năm 1977 - 1979, bà tiếp tục học tại Trường Đảng tỉnh rồi trở thành giảng viên Trường Đảng huyện, đồng thời đảm nhiệm các vị trí công tác như Phó ban Tuyên giáo, Phó ban Tổ chức Huyện ủy cho đến khi nghỉ hưu. Bà Nậng chia sẻ: Thời đó, cả xã có tới hàng trăm thanh niên nhập ngũ. Người ở lại lo sản xuất, lo hậu phương. Khó khăn bộn bề nhưng đã là cán bộ thì mình phải gương mẫu, phải đi đầu, phải nêu gương, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết. Cuộc đời tôi không có gì cao xa, chỉ đơn giản là luôn sống đúng với lý tưởng mà mình đã chọn. Được cống hiến cho quê hương, cho đất nước, với tôi đó là hạnh phúc lớn nhất. 

Với những đóng góp đó, bà Phạm Thị Nậng vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người trong thời kỳ làm Chủ nhiệm HTX. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà được tặng Huy hiệu “Phụ nữ ba đảm đang”, bằng khen “Dũng sĩ diệt Mỹ” và Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Sau năm 1975 bà tiếp tục được công nhận là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, là tấm gương sáng cho lớp trẻ học tập, noi theo. Bà Nậng cho biết thêm: Đối với tôi, hạnh phúc không phải là danh hiệu hay bằng khen mà là mỗi con đường mới mở, mỗi mái nhà khang trang, mỗi thế hệ thanh niên trưởng thành từ chính mảnh đất mình từng bước qua là niềm tự hào, niềm phấn khởi của tôi. 

Cũng giống như bà Nậng, bà Phạm Thị Ngọc, thôn An Điềm, xã Vũ An (Kiến Xương) lớn lên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt; tháng 1/1972, bà Ngọc viết đơn xung phong vào đơn vị C892, hành quân vào chiến trường 15A tại thôn Lâm Sum, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) làm nhiệm vụ thông đường, phá bom, san lấp hố đạn, giữ mạch giao thông thông suốt để bộ đội và hàng hóa kịp thời chi viện cho tiền tuyến. Tháng 8/1972, bà bị thương trong một trận bom dữ dội và phải chuyển ra tuyến sau để điều trị. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, khi vết thương còn chưa lành hẳn bà lại xung phong trở lại đơn vị, tiếp tục làm nhiệm vụ cùng Đoàn 559, đơn vị C892, D152, F571 hành trình tiếp lương, mở đường cho bộ đội chủ lực hành quân vào Nam. Sau hơn ba năm gắn bó với chiến trường, tháng 7/1975 bà được xuất ngũ, trở về quê hương trong niềm vui đất nước thống nhất. Bà Ngọc nhớ lại: Có những ngày mưa bom, nắng đổ, đôi chân phồng rộp, tay rớm máu, ăn vội nắm cơm độn trong tiếng máy bay gầm rú trên đầu nhưng chưa ai nghĩ đến chuyện rút lui. Lúc ấy chúng tôi chỉ nghĩ: Đã là thanh niên xung phong thì phải kiên cường, không được chùn bước. Nếu mình không làm, đường không thông thì đồng đội sẽ bị kẹt lại, hàng không tới kịp, chiến trường sẽ tổn thất. 

Trở về từ chiến trường, gác lại những năm tháng bom đạn phía sau, bà Ngọc không chọn cuộc sống an nhàn mà tiếp tục dấn thân vào công việc xây dựng quê hương bằng tất cả tâm huyết của mình. Từ năm 1976 - 1979, bà được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã, trực tiếp tham gia vận động thanh niên, phát động các phong trào thi đua yêu nước, xung kích vì cộng đồng. Với sự chân thành, gần gũi và uy tín của một người từng đi qua lửa đạn, bà đã thổi bùng tinh thần cống hiến trong lớp trẻ lúc bấy giờ. Năm 1979 đến nay, bà đảm nhiệm nhiều công việc khác tại địa phương. Mỗi công việc, dù lớn hay nhỏ, bà đều làm bằng một thái độ nghiêm túc, trách nhiệm và tâm thế của người “đã từng đứng giữa ranh giới sống - chết”, nên không việc gì là không thể vượt qua. Với bà Ngọc, tinh thần thanh niên xung phong không kết thúc cùng tiếng súng mà vẫn âm thầm tiếp nối trong từng hành động, từng nghĩa cử đời thường như một ngọn lửa soi sáng tương lai. 

Sau khi đất nước thống nhất, phong trào phụ nữ Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Toàn tỉnh có 85.000 phụ nữ đạt danh hiệu “Ba đảm đang”; 120.000 chị đạt danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hơn 91.000 chị đạt “Người mẹ nuôi dạy con tốt”; hơn 27.000 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ tài năng”... Những người phụ nữ gắn bó trọn đời với Đảng, với dân, không chỉ là biểu tượng của sự tận tụy mà còn là tấm gương về một thế hệ phụ nữ Thái Bình kiên cường, giản dị và đầy nghị lực. Những bông hoa “Ba đảm đang” vẫn tỏa hương thầm lặng góp sức xây dựng quê hương. 

Sản phẩm bánh cáy, kẹo lạc của chị Nguyễn Thị Hằng, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

... đến phụ nữ thời bình 

Tinh thần “Ba đảm đang” khi xưa được lớp lớp thế hệ phụ nữ Thái Bình tiếp nối như một mạch nguồn chưa bao giờ cạn, thể hiện bằng nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu, thực hiện tốt các phong trào thi đua, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Ở xã Nguyên Xá (Đông Hưng), chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở bánh kẹo Trường Hằng là minh chứng rõ nét cho tinh thần ấy. 

Bắt đầu từ năm 1993, khi nghề làm bánh cáy vẫn còn là công việc thời vụ, chị Hằng và chồng quyết định mở xưởng ngay tại nhà và đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, một ngày xưởng sản xuất 2,5 tạ bánh cáy, kẹo lạc và được phân phối khắp các tỉnh, thành. Năm 2023, sản phẩm bánh cáy, kẹo lạc của chị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, doanh thu hàng năm lên tới hàng tỷ đồng và là một trong những sản phẩm nằm trong top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng toàn quốc. Chị Hằng cho biết: Phụ nữ thời nay có nhiều cơ hội hơn nhưng cũng nhiều thử thách. Quan trọng là mình dám nghĩ, dám làm và giữ được cái tâm với nghề. Làm nghề truyền thống không chỉ là kế sinh nhai mà còn là trách nhiệm với cội nguồn. 

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Hằng còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Phương, công nhân tại xưởng chia sẻ: Tôi làm ở đây được 10 năm, công việc phù hợp, mức thu nhập ổn định mà lại được làm nghề, giữ nghề cho quê hương. 

Từ bà Nậng, bà Ngọc, những người phụ nữ sắt son thời chiến đến chị Hằng - người phụ nữ bản lĩnh thời bình, tất cả đều là những bông hoa lặng lẽ nhưng rực rỡ trong vườn hoa của quê hương Thái Bình. Tính đến nay, Thái Bình có gần 400 phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, HTX, hàng nghìn chị em đang từng ngày góp phần làm đẹp quê hương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Họ chính là những phụ nữ “Ba đảm đang” thời đại mới, vẫn tận tụy, sáng tạo, tỏa hương thầm lặng giữa đời thường. 

Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ phụ nữ Thái Bình hôm nay vẫn đang bền bỉ tiếp nối mạch nguồn của phong trào “Ba đảm đang” năm xưa, hăng hái lao động, sản xuất, công tác trên mọi lĩnh vực với những tiêu chí mới của thời kỳ phát triển và hội nhập, bước vào kỷ nguyên mới. Những người phụ nữ lặng lẽ mà rạng ngời ấy đang trở thành niềm tự hào của Thái Bình.

Bà Phạm Thị Ngọc, thôn An Điềm, xã Vũ An (Kiến Xương) nhớ lại những kỷ niệm thời chiến.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày