Chủ nhật, 13/04/2025, 06:42[GMT+7]

Hợp tác xã - đầu tàu tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực

Thứ 5, 10/04/2025 | 08:24:45
3,533 lượt xem
Với vai trò chủ thể, các HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang tác động mạnh vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung với nhiều cây trồng có năng suất cao, giá trị kinh tế, tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng năm đạt từ 15.000 - 20.000ha.Trong ảnh: Vùng liên kết sản xuất lúa tại xã An Ninh (Quỳnh Phụ).

Dẫn dắt nông nghiệp hàng hóa phát triển 

Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, tự tin đột phá, nhiều nông dân, thế hệ trí thức trẻ đã mạnh dạn xây dựng HTX theo mô hình mới, đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới đặt ra. Điển hình là HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) - chủ thể sản phẩm OCOP gạo nếp bể làng Keo. Anh Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX cho biết: Trải qua thời gian, nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng được đưa vào đồng ruộng sản xuất song người dân làng Keo vẫn một lòng duy trì cấy giống lúa quý của cha ông truyền lại. 

Nếp bể là giống lúa truyền thống của địa phương, hạt giống do người dân tự chọn từ lúa vụ trước. Những hạt to mẩy, vàng, không bị ẩm mốc sẽ được chọn để làm giống cho vụ sau, được bảo quản trong điều kiện phù hợp. Tháng 7/2021, HTX Kinh doanh nông sản làng Keo được thành lập nhằm duy trì và bảo tồn giống lúa nếp quý ở nơi đây. Khi đó, HTX được hỗ trợ quy hoạch diện tích, đăng ký mã số vùng trồng, tập huấn chuyển giao kiến thức, kỹ thuật canh tác nông nghiệp cho bà con. 

Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, hệ thống máy móc và vận hành trang web. Khi có HTX đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra, diện tích cấy lúa nếp bể truyền thống của người dân đã tăng từ 120ha/năm lên 150ha/năm. Sau khi thu hoạch, thóc được sấy trong lò ở nhiệt độ 38 - 40oC, trong khoảng thời gian từ 35 - 40 giờ. Gạo nếp bể sau xay xát được đựng túi zip có logo, mã QR truy xuất nguồn gốc phân phối tới tay người tiêu dùng, bước đầu tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc phát triển dịch vụ liên kết và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo. 

Không chỉ HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, nhiều HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Hợp tác xã năm 2023 hoặc được thành lập mới đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất làm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ An (Kiến Xương) cho biết: Để nâng cao thu nhập cho thành viên, thời gian qua, HTX tích cực đưa các giống cây trồng mới có liên kết bao tiêu sản phẩm vào sản xuất thông qua các buổi đi thực tế, tham quan mô hình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai sản xuất hiệu quả ở địa phương. Năm 2025, trong tổng số gần 80ha cây màu xuân, HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, bao tiêu lạc giống, đậu tương rau cho thành viên với diện tích 11ha, từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập. 

Ông Vũ Ngọc Quyết, thôn Đô Lương, xã Vũ An cho biết: Có HTX đứng ra cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên từ nhiều năm nay chúng tôi đưa cây đậu tương rau vào gieo trồng thay cây lúa ở vụ xuân. Cây đậu tương rau thích nghi tốt với đồng đất nơi đây, phát triển khỏe, sinh trưởng mạnh hơn so với những giống đậu tương khác. Trong khoảng 70 - 80 ngày, đậu tương rau cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 2,5 tạ/sào; năm nay giá bán được ký kết 8.700 đồng/kg, mỗi sào chúng tôi thu lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa. 

Hiện nay, cơ cấu ngành nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường. Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương và sự đồng thuận, chuyển đổi tư duy của người dân về kinh tế tập thể, nhiều HTX đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng năm đạt từ 15.000 - 20.000ha, tập trung vào các loại nông sản chủ lực như lúa giống, lúa Nhật, lúa chất lượng cao, cây màu và cây dược liệu. 

HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp bể làng Keo.

Tiêu thụ nông sản chủ lực 

Toàn tỉnh hiện có 363 HTX nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và phát huy tốt vai trò trong liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; bằng nhiều giải pháp đồng bộ giúp các HTX nông nghiệp của tỉnh phát huy vai trò cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng để phát triển hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững. 

Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hiện nay đã có 54 HTX nông nghiệp (chiếm 15% tổng số HTX nông nghiệp) xây dựng được 62 sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao, giúp nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, quảng bá đặc sản nông sản địa phương, tiếp cận với nhiều kênh tiêu thụ được thị trường trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. 

Với vai trò chủ thể, các HTX đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung với nhiều cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao.

Bình Định (Kiến Xương) là xã thuần nông, sản xuất chủ yếu là thâm canh lúa, ngành nghề, cây vụ đông kém phát triển. Thời gian qua, HTX SXKD DVNN xã đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã ban hành nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Ngoài 3 khâu dịch vụ bắt buộc, HTX đang thực hiện 9 dịch vụ kinh doanh khác nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên. Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX cho biết: Trong các khâu dịch vụ, HTX đang ưu tiên phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm cho thành viên. Giai đoạn 2020 - 2024, HTX bao tiêu cho thành viên hơn 5.850 tấn thóc, doanh thu 64 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận 15 tỷ đồng cho thành viên. Để làm tốt khâu dịch vụ này, HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp theo hình thức có ứng trước giống lúa gốc, phân bón với diện tích đã được quy hoạch gồm 6 vùng cánh đồng mẫu lớn diện tích 300ha và gần 2.000 hộ tham gia. Ngoài ra HTX còn quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 14,5ha, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng hạng OCOP 4 sao. 

Mặc dù số lượng HTX là tương đối lớn song những “đầu tàu” có thực lực và khả năng phát triển còn chưa nhiều. Để mở ra cơ hội cho nông nghiệp Thái Bình phát triển trong kỷ nguyên số, các HTX cần nắm rõ tinh thần đổi mới sáng tạo, sớm cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đầu tư nguồn lực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để tương xứng với vai trò chủ lực. Từ đó dẫn dắt các phong trào đổi mới sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để đem lại những giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp.

Ngân Huyền