Thứ 6, 25/04/2025, 13:40[GMT+7]

Tinh hoa làng nghề thời hiện đại

Thứ 6, 25/04/2025 | 07:10:34
582 lượt xem
Hưng Hà không chỉ là cái nôi của phong trào cách mạng mà còn là nơi lưu giữ và phát triển hàng chục làng nghề có lịch sử hàng trăm năm. Trong nhịp sống hiện đại, người dân Hưng Hà vẫn kiên trì thổi hồn vào từng sản phẩm, vừa giữ gìn tinh hoa làng nghề vừa mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để nghề truyền thống không ngừng vươn xa, mang theo khát vọng và niềm tự hào của quê hương đi khắp thị trường trong nước và quốc tế.

Nghề dệt khăn ở xã Thái Phương (Hưng Hà).

Gieo mầm từ gốc - đơm hoa từ nghề

Khi trời còn tờ mờ sáng, làng Me, xã Tân Hòa đã rộn ràng bước vào ngày làm việc mới. Tiếng máy xay bột, tiếng tráng bánh, tiếng máy cắt vang lên đều đặn. Đó cũng là thời điểm xưởng sản xuất của anh Vũ Văn Băng bắt đầu hoạt động. Đây là thời điểm bận mải nhất trong ngày của gia đình anh để phục vụ kịp thời nhu cầu khách hàng. Anh Băng chia sẻ: Để làm ra sản phẩm thơm, ngon, dẻo là sự kết hợp hài hòa giữa các công đoạn. Cùng với đó là sự khéo léo, cầu kỳ và cái tâm của người làm nghề. Thay vì làm thủ công như trước đây, tôi đã đầu tư các loại máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Không chỉ tráng bánh cho gia đình, xưởng còn tráng thuê cho hàng chục hộ trong thôn. Mặc dù nghề làm bánh đa rất vất vả nhưng chúng tôi rất mừng vì sản phẩm đã chinh phục được khách hàng mọi miền đất nước. Sản xuất hiệu quả đã đem lại cho gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Làng Me hôm nay đã khác, nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại, khang trang, những con đường bê tông hiện hữu. Hiện làng có 120 hộ sản xuất bánh đa với 22 máy tráng bánh, một máy phục vụ tráng thuê cho 6 - 7 hộ. Ông Phạm Đình Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa cho biết: Làng Me được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ năm 1993. Trong quá trình sản xuất, bà con đã chủ động đầu tư máy móc, đồng thời chú trọng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ ngay đến đó. Giá trị sản xuất làng nghề chiếm 20% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Đặc biệt, để duy trì và phát triển làng nghề, xã thành lập một tổ HTX và đang xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường, từng bước xây dựng bánh đa làng Me thành sản phẩm OCOP.

Nằm bên dòng sông Luộc hiền hòa, làng Hới, xã Tân Lễ từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếu Hới vẫn giữ được nét tinh hoa trong từng sợi lát, từng đường dệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, những người con của làng nghề không ngừng đổi mới, sáng tạo viết tiếp hành trình trăm năm của làng nghề. Anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Hải Triều Xuân là đời thứ ba trong gia đình gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống. Mỗi tháng, xưởng của anh sản xuất trung bình gần 200 chiếc chiếu cói. Anh Hưng chia sẻ: Nghề dệt chiếu không quá khó nhưng rất vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn từ phân loại cói, đem phơi... đến dệt. Sợi cói phải dài, nhỏ, đều và không chắp nối; sau khi dệt xong sẽ tiếp tục công đoạn may viền chiếu, tạo mẫu mã và độ bền cho sản phẩm. Đến nay, khi áp dụng máy móc, lại càng yêu cầu người thợ có tay nghề cao để đưa cói vào khuôn dệt nhanh, đều; đồng thời, phải xử lý các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tăm tắp mà vẫn giữ được kỹ thuật và mỹ thuật đặc trưng của chiếu làng Hới.

Bước cải tiến rõ nét nhất của làng nghề chiếu Hới là từ năm 2005, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào thay thế sức lao động của con người. Gắn bó cả cuộc đời với nghề dệt chiếu truyền thống, bà Lưu Thị Ngọc, thôn Hải Triều Xuân đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua 35 máy dệt chiếu nhựa. Hiện nay, trung bình mỗi ngày xưởng của bà Ngọc sản xuất được từ 100 - 200 lá chiếu. Bà Ngọc chia sẻ: Từ khi đưa máy móc vào sản xuất, sản phẩm làm ra đẹp hơn, đơn hàng ổn định hơn. Gia đình tôi còn tạo việc làm cho hơn 30 lao động trong xã. Chúng tôi rất phấn khởi khi làng nghề ngày càng “sống khỏe”, “sống bền”. Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại nhiều tỉnh trong nước và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan...

Nhắc đến chiếu Hới, xã Tân Lễ, người ta nghĩ đến câu: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” là những sản vật nổi tiếng ít nơi làm được. Ông Hà Văn Tuy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 9,5%. Hiện toàn xã có 29 hộ với 90 máy dệt chiếu cói, thu hút 420 lao động; 8 cơ sở dệt chiếu nilon với 310 máy, tạo việc làm hơn 1.000 lao động trong và ngoài xã. Tổng thu nhập từ nghề chiếu ước đạt 500 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đạt từ 72 - 96 triệu đồng/người/năm.

Khát vọng vươn xa - giữ nghề bền vững

Những năm gần đây, diện mạo các làng nghề ở Hưng Hà có nhiều đổi thay rõ nét. Không còn là hình ảnh của những sân phơi đầy lát cói hay những mẻ bánh tráng phơi dưới nắng giữa đồng như trước, thay vào đó là âm thanh rộn ràng của máy móc hiện đại trong từng xưởng sản xuất. Nhà cao tầng mọc lên, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ. Dưới mái nhà xưởng hay bên khung dệt vẫn là hình ảnh người dân miệt mài lao động nhưng với cách làm mới, tư duy mới. Bà Vũ Thị Hương, thôn Me, xã Tân Hòa chia sẻ: Người dân phấn khởi vì không phải ly hương, làm nghề truyền thống ông cha để lại trên chính mảnh đất quê hương, có cuộc sống ổn định, thu nhập khá. Người trẻ tiếp nối nghề cũ, người lớn tuổi vẫn được tham gia lao động phù hợp. Có nghề, có việc, có thu nhập, đó chính là động lực để người dân càng thêm tin tưởng, gắn bó với quê hương, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hưng Hà là huyện có nhiều làng nghề phát triển sôi động, không chỉ duy trì nghề truyền thống mà còn du nhập và phát triển nhiều nghề mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, cùng với các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, các làng nghề đã có bước phát triển vượt bậc. Toàn huyện có 53 làng nghề, 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó 20 làng nghề dệt khăn, 22 làng nghề dệt chiếu, 5 làng nghề mây tre đan, 3 làng nghề bún bánh, 1 làng nghề mộc, 2 làng nghề làm hương lúc nào cũng sôi động. Năm 2024, giá trị sản xuất từ làng nghề ước đạt 2.560,6 tỷ đồng, giá trị sản xuất từ nghề đạt 1.816,9 tỷ đồng. Nghề và làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho 21.580 lao động, chiếm 62,6% tổng số lao động của làng nghề.

Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: Hưng Hà tập trung phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đồng thời, tập trung hướng phát triển vào nghề dệt bông vải sợi, dệt chiếu, may, đồ mộc, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm, qua đó để các chủ đầu tư nắm bắt thị trường, đổi mới công nghệ, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Để nghề và làng nghề tiếp tục phát triển trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình chuyển đổi mô hình từ hộ sản xuất, kinh doanh sang thành lập doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và ý thức kỷ luật lao động công nghiệp; đồng thời, tổ chức thi hàng năm để thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và học hỏi kỹ thuật giữa các công nhân.

Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã mở ra hướng đi bền vững cho các làng nghề ở Hưng Hà. Giữ nghề nhưng không chỉ để bảo tồn. Giữ nghề là để phát triển, đó chính là khát vọng của những con người nơi đây. Khát vọng vươn xa bằng đôi bàn tay lao động và tình yêu bền bỉ với nghề truyền thống.

Nhiều hộ dân xã Tân Lễ vẫn duy trì làm chiếu cói để giữ nghề.

Thanh Thủy