Thứ 6, 16/05/2025, 16:28[GMT+7]

Nông dân xã Liên An Đô: Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 6, 16/05/2025 | 08:35:02
578 lượt xem
Những năm gần đây, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở xã Liên An Đô (Đông Hưng) đạt được những kết quả tích cực. Từ phong trào này, nhiều nông dân đã đổi mới tư duy kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Đình Uẩn, thôn Kim Châu 2 thu hoạch rau vụ đông.

Với phương châm “Còn sức còn làm”, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoan, thôn Ba Vì dù đã trên 70 tuổi vẫn tích cực phát triển chăn nuôi. Vay của Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Liên Giang 100 triệu đồng, đầu tư xây 2 dãy chuồng khép kín, mua giống lợn siêu nạc về nuôi, ông bà sớm tối chăm sóc đàn lợn, tuân thủ đúng hướng dẫn về chuồng trại, thức ăn, tiêm phòng... nên đàn lợn lớn nhanh. Việc nuôi lợn thịt của ông bà đang thuận lợi thì bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Không nản chí, lại có Hội Nông dân xã luôn động viên, đồng hành, ông bà sửa chuồng, thực hiện tiêu độc khử trùng rồi mua giống gà Ai Cập về nuôi lấy trứng. Bà Hoan cho biết: Hiện tại, trong chuồng tôi nuôi trên 400 con gà Ai Cập, thu mỗi ngày hơn 300 quả trứng, trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Thời gian tới tôi sẽ nâng tổng đàn gà lên 1.000 con. Bà Hoan là điển hình nông dân phát triển kinh tế giỏi của xã.

Trước đây thu nhập của gia đình ông Phạm Trọng Huy, thôn Kim Ngọc 3 khá bấp bênh. Để có nguồn thu ổn định, ông đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng của Quỹ TDND Liên Giang đầu tư phát triển chăn nuôi lợn. Ông Huy chia sẻ: Trước đây tôi nuôi 7 - 10 con lợn thịt, thu nhập không cao lắm; năm 2021 tôi mạnh dạn vay vốn xây dựng 2 khu chuồng khép kín nuôi lợn nái, lợn thịt. Đến nay gia đình đang nuôi hơn 80 con lợn nái, lợn thịt và lợn con. Lợn con sau sinh, tôi chỉ để lại vài đàn để nuôi thành lợn thịt còn lại bán lợn giống cho bà con trong vùng nuôi. Việc nuôi lợn đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/ năm, nhờ đó gia đình có điều kiện kiến thiết nhà cửa khang trang và nuôi con ăn học.

Hưởng ứng phong trào trồng cây vụ đông của địa phương, ông Nguyễn Đình Uẩn, thôn Kim Châu 2 năm nào cũng mượn thêm ruộng của người thân không trồng để trồng 1,6 mẫu cây vụ đông ưa lạnh, chủ yếu là bắp cải, súp lơ, su hào. Ông Uẩn chia sẻ: Nhiều năm nay tôi vẫn trồng cây vụ đông vì đây là cây truyền thống của địa phương, thời gian có 3 tháng nhưng tôi thu được 50 - 60 triệu đồng, gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Cây vụ đông từ lâu là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi.

Bà Nguyễn Thị Ngần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên An Đô cho biết: Xã mới sáp nhập từ 3 xã cũ An Châu, Liên Giang, Đô Lương, số lượng hội viên đông (gần 2.400 người). Ngay từ đầu năm, Hội đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tổ chức được 8 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn sử dụng phân bón chăm sóc cây trồng, thu hút trên 800 lượt hội viên tham gia. Hội cũng tín chấp với các ngân hàng cho gần 400 lượt hội viên vay trên 45 tỷ đồng, giới thiệu cho hội viên có nhu cầu vay vốn tại Quỹ TDND Liên Giang để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với nỗ lực vượt khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm của các hội viên, năm 2024 có gần 600 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Liên An Đô tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối để cung cấp vốn, kiến thức cho hội viên; làm tốt công tác vận động, hướng dẫn hội viên khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nghề truyền thống và sử dụng hiệu quả nguồn vốn; chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, vận động hội viên giúp nhau vượt khó bằng các hình thức như cho vay không lãi, hỗ trợ giống, vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Hoan, thôn Ba Vì thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm từ nuôi gà Ai Cập đẻ trứng.

Thu Hiền