Thứ 6, 11/07/2025, 08:10[GMT+7]

Người già cô đơn cần được cảm thông 

Thứ 5, 22/09/2011 | 08:16:08
1,850 lượt xem
Người già thường sống với quá khứ, với những kỷ niệm thời trẻ. Và như thế thì chỉ có người già mới hiểu và cảm thông, chia sẻ được với nhau mà thôi. Nhu cầu tìm hiểu bạn đời, tìm kiếm bạn đời của họ cũng là một nhu cầu chính đáng mà cần được con cháu hiểu và cảm thông hơn nữa.

Nhu cầu tìm người bạn để chia sẻ trong cuộc sống, khi trái gió trở trời của người già góa vợ, góa chồng là một nhu cầu bình thường mà xã hội cần có cái nhìn cảm thông.

Ngày nay, xu hướng gia đình hạt nhân ngày càng nhiều. Khi con cái lập gia đình thường muốn ra ăn riêng, ở riêng để được tự do, thoải mái trong cuộc sống. Chính vì thế mà cha mẹ già thường cảm thấy cô đơn, lẻ bóng, nhất là khi người bạn đời không còn nữa. Nhiều người muốn tìm cho mình một người bạn đời có cùng cảnh ngộ để cùng nhau nương tựa lúc tuổi già xế bóng. Bản thân cha mẹ già cũng không muốn dựa vào con cái, do những sự khác biệt dễ xảy ra bất đồng trong cuộc sống giữa cha mẹ – con cái.

Khi bạn đời không còn nữa, các cụ ông, cụ bà cùng hoàn cảnh thường tìm đến với nhau để chăm sóc lẫn nhau, để được vui tuổi già, bớt đi sự lạnh lẽo cô đơn. Tuy nhiên, chuyện này thường gặp trở ngại, từ cộng đồng và nhất là sự phản đối của người thân trong dòng tộc, gia đình. Họ cho rằng như vậy làm ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, một số ít lại sợ bị chia sẻ quyền lợi... Nói chung, người già muốn tái giá thường không đơn giản chút nào, thậm chí có thể nảy sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ – con cái từ những chuyện như thế.

Ông Chén, có vợ bị bệnh mất đã lâu trong lúc ông còn đương chức, một mình trong cảnh “gà trống nuôi con” đến khi chúng trưởng thành và đã có gia đình riêng. Về nghỉ hưu, ông cảm thấy cô đơn ở cái tuổi 61, ông đã phải chịu đựng bao nỗi khó khăn vất vả, hy sinh cho con. Giờ đây ông chỉ muốn có một người bạn để cùng nhau vui sống lúc tuổi già. Và ông Chén đã tìm được cho mình một người phụ nữ độc thân. Khi biết chuyện, họ hàng thân thích và con cái ông phản đối kịch liệt. Những cuộc xích mích giữa ông và con cái luôn xảy ra. Có hơn một sào ruộng của bà để lại, đến vụ trồng cấy, một mình ông đi cày bừa mà chẳng đứa con nào đoái hoài đến cả. Cuối cùng ông phải rời bỏ ngôi nhà để sống chung với người đàn bà kia.

Người già có những nhu cầu sở thích riêng. Họ cần tình cảm hơn là tiền bạc vật chất. Do vậy, dù con cháu chu đáo đến đây cũng không thể đáp ứng được, huống chi là còn thờ ơ với cha mẹ. “Con nuôi cha không bằng bà chăm ông” là như vậy. Nếu chỉ chăm lo cho người già về vật chất thôi thì chưa đủ mà con cái phải đặc biệt quan tâm về đời sống tình cảm, tinh thần của lớp người này.

Nhiều người già được con cái đón ra thành phố ở với cuộc sống sung túc, đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy cô đơn vì chẳng có ai để chuyện trò, tâm sự, con cái thì đi làm, các cháu thì đi học. Thế hệ trẻ hôm nay sống trong thời đại mới với những điều kiện sống mới nên khó có thể có sự đồng cảm trọn vẹn được. Người già thường sống với quá khứ, với những kỷ niệm thời trẻ. Và như thế thì chỉ có người già mới hiểu và cảm thông, chia sẻ được với nhau mà thôi. Nhu cầu tìm hiểu bạn đời, tìm kiếm bạn đời của họ cũng là một nhu cầu chính đáng mà cần được con cháu hiểu và cảm thông hơn nữa.

Xã hội càng hiện đại, phát triển, mức sống ngày một cao và điều kiện y tế được đảm bảo thì tuổi thọ con người càng tăng. Nhu cầu tìm người bạn để chia sẻ trong cuộc sống, khi trái gió trở trời của người già góa vợ, góa chồng là một nhu cầu bình thường mà xã hội cần có cái nhìn cảm thông, nhất là con cái trong gia đình. Làm như vậy chính là giúp cho người già có những niềm vui lúc cuối đời, bởi không ai có thể chăm sóc tốt hơn là người già chăm sóc cho nhau.

Văn Nguyễn
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày