Thứ 5, 22/05/2025, 13:51[GMT+7]

Hiệu quả vùng chuyên canh rau màu

Thứ 5, 22/05/2025 | 09:37:06
254 lượt xem
Trong điều kiện gay gắt đầu hè, trên khắp các cánh đồng rau màu, người nông dân vẫn miệt mài thu hoạch, chăm sóc từng luống rau với tinh thần bám ruộng, giữ nghề. Những vùng chuyên canh rau màu không chỉ giúp tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững.

Nông dân xuống giống vụ hành lá.

Hiện toàn tỉnh có trên 6.000ha rau màu được trồng tại các huyện, thành phố. Trong đó, nhiều vùng rau màu đã được quy hoạch theo hướng chuyên canh, từng bước hình thành chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tại xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình), vùng chuyên canh rau màu tập trung chủ yếu ở thôn Cự Phú với diện tích khoảng 80ha. Người dân nơi đây có truyền thống trồng rau màu lâu đời, canh tác quanh năm với cơ cấu cây trồng phong phú, mùa nào rau đó. Nhờ nắm vững kỹ thuật gieo trồng, luân canh hợp lý, chủ động nước tưới và phòng, trừ sâu bệnh nên sản phẩm rau của xã Vũ Phúc được thương lái ưa chuộng, chủ yếu tiêu thụ tại chợ đầu mối trong tỉnh và nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung. 

Ông Phạm Văn Hải, hộ trồng rau ở thôn Cự Phú cho biết: Tôi gắn bó với nghề trồng rau đã hơn 30 năm, cứ hết vụ này lại xuống giống vụ khác. Làm rau tuy vất vả, nhất là mùa nắng như hiện nay phải tưới nước nhiều lần, nhưng nhờ chuyên canh nên mỗi sào cũng cho thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Có lúc rau rẻ cũng phải bám đồng để giữ mối, giữ nghề. Bà Trần Thị Nhàn chia sẻ thêm: Gia đình tôi canh tác 5 sào rau quanh năm. Vụ này tôi chủ yếu trồng rau cải, quả lặc lè, dưa bở. Trời nắng thì rau phát triển nhanh nhưng cũng rất dễ héo, cháy lá. Gia đình tôi phải tưới 2 lần/ ngày, che phủ nilon vào buổi trưa để giữ ẩm. Giá rau đợt này tuy có rẻ hơn nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình nên tôi vẫn bám ruộng, bám đồng. 

Tại huyện Quỳnh Phụ, xã Quỳnh Hải được xem là “vựa rau gia vị” lớn nhất tỉnh với hơn 170ha chuyên canh hành lá, cần tây, tỏi tây... mang lại thu nhập chính cho khoảng 2.000 hộ dân. Đây là nghề truyền thống lâu đời, được người dân tích lũy nhiều kinh nghiệm và chuyển giao cho thế hệ kế tiếp. Ông Nguyễn Xuân Khoát, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Quỳnh Hải cho biết: Chúng tôi xác định muốn sản xuất rau hiệu quả phải có hạ tầng đồng bộ. HTX chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, điều tiết nước phục vụ tưới, tiêu. Đồng thời, phối hợp tập huấn kỹ thuật cho bà con để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Ông Đào Ngọc Trang, thôn An Phú 1, xã Quỳnh Hải trồng 5 sào cần tây, rau gia vị lâu năm chia sẻ: Rau gia vị trồng quanh năm, đầu tư không lớn nhưng đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ. Có lúc giá cao thì được mùa được giá, nhưng khi giá thấp như bây giờ vẫn phải duy trì sản xuất để giữ nghề và bạn hàng. Chúng tôi mong được chính quyền và HTX hỗ trợ kết nối tiêu thụ với bếp ăn tập thể, siêu thị để yên tâm sản xuất lâu dài. 

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh quy hoạch vùng chuyên canh rau màu, tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Rau màu hiện là cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương. Với chu kỳ sinh trưởng ngắn, giá trị kinh tế cao, rau màu giúp nhiều hộ dân vươn lên khá giả. Tuy nhiên, sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái, giá cả không ổn định, nhất là khi được mùa. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đang quy hoạch lại vùng trồng rau theo hướng tập trung, quy mô lớn, có hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ. 

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, đồng thời khuyến khích các HTX, doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. 

Thực tế cho thấy, những vùng chuyên canh rau màu không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Với sự cần cù, chịu thương chịu khó và tinh thần đổi mới của người nông dân, cùng sự đồng hành của chính quyền các cấp, Thái Bình đang từng bước hình thành những vùng rau chất lượng cao, góp phần làm phong phú thêm bức tranh ngành nông nghiệp.

Nông dân xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) thu hoạch rau màu.

Minh Nguyệt 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày