Thứ 7, 24/05/2025, 20:55[GMT+7]

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Con tem nhỏ, hiệu quả lớn

Thứ 7, 24/05/2025 | 14:41:01
500 lượt xem
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa ngày càng cạnh tranh, đòi hỏi cao về chất lượng và tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc (TXNG) không chỉ là công cụ để bảo vệ người tiêu dùng mà còn trở thành yếu tố sống còn để sản phẩm khẳng định thương hiệu, tạo dựng uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại Thái Bình, việc thúc đẩy TXNG đã và đang được các sở, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp triển khai đồng bộ, từng bước hình thành hệ sinh thái kết nối minh bạch từ sản xuất đến tiêu dùng.

Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư) sớm thực hiện truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin góp phần quan trọng tạo dựng uy tín và niềm tin của đối tác khách hàng cũng như người tiêu dùng.

Lợi ích của truy xuất nguồn gốc 

Không khó để bắt gặp những sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng được dán tem TXNG bằng mã QR trên thị trường Thái Bình hiện nay. Từ gạo, nước mắm, rau củ, trà thảo mộc đến giò chả, bánh chưng, mật ong, dược liệu... đều có thể được tra cứu thông tin xuất xứ, quy trình sản xuất, nơi phân phối chỉ bằng một lần quét mã trên điện thoại thông minh. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, TXNG là công cụ quan trọng trong việc minh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, đây cũng là cách để các cơ sở sản xuất khẳng định trách nhiệm xã hội, uy tín thương hiệu và từng bước xây dựng niềm tin với thị trường. Ông Phạm Văn Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee (đơn vị hỗ trợ triển khai giải pháp TXNG cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) cho rằng: TXNG là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng lòng tin với khách hàng. Công nghệ TXNG giúp chứng minh nguồn gốc xuất xứ và là công cụ quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng, cảnh báo rủi ro, phòng ngừa gian lận thương mại. Doanh nghiệp nhỏ có thể bắt đầu từ những bước cơ bản như mã hóa lô sản xuất, số seri, đưa thông tin lên mã QR, sau đó mở rộng sang chuỗi khép kín có tích hợp kiểm tra chất lượng, vận chuyển, tồn kho... Việc triển khai cần đi cùng đào tạo nhận thức, chuyển đổi số và cả cam kết minh bạch thông tin. 

Để truy xuất nguồn gốc đi vào cuộc sống nhanh hơn 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện TXNG, tỉnh đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin TXNG tại địa chỉ: txng.thaibinh. gov.vn. Ông Lương Văn Hiếu, Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Đây là nền tảng kỹ thuật giúp kết nối các cơ sở dữ liệu TXNG của doanh nghiệp địa phương, tích hợp thông tin sản phẩm, chuỗi cung ứng, các chứng nhận, mã QR, giúp người tiêu dùng tra cứu dễ dàng bằng điện thoại thông minh. 

Tính đến tháng 1/2025, toàn tỉnh có gần 80 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đăng ký TXNG sản phẩm, với hơn 170 mặt hàng, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản. Nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như nước mắm, bún khô làng nghề, trà thảo dược, bánh cáy, kẹo lạc, các sản phẩm từ tỏi đen, mật ong, rau hữu cơ... đã được cấp mã TXNG hàng hóa. Việc gắn tem TXNG giúp sản phẩm khẳng định giá trị trên thị trường nội địa, tạo lợi thế khi tham gia các sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại và xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh cáy, kẹo lạc Trường Hằng, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) cho biết: Từ khi các sản phẩm được đăng ký mã số, mã vạch, tem QR để TXNG, chúng tôi không còn lo bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khẳng định được bản sắc riêng của sản phẩm mang thương hiệu Trường Hằng. Người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc nguyên liệu, công thức chế biến, quy trình sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng và hướng dẫn bảo quản, sử dụng thông qua tem QR trên mỗi sản phẩm. Có lẽ, việc người tiêu dùng được công khai, minh bạch thông tin, được tương tác với nhà sản xuất tạo dựng niềm tin nên việc tiêu thụ hàng hóa của chúng tôi thuận lợi hơn với mức tăng trưởng doanh số bán hàng hơn 20% so với trước khi thực hiện TXNG. 

Để TXNG phát huy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống quản trị chất lượng, xây dựng quy trình sản xuất chuẩn hóa, tập huấn kỹ năng TXNG cho cán bộ kỹ thuật và kết nối nền tảng số. Đây được coi là bước đi tất yếu trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa. 

Ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện TXNG, tập huấn kỹ thuật, kết nối nền tảng số và đăng ký tài khoản truy xuất. Tuy nhiên, để hệ thống TXNG phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu để đưa TXNG trở thành tiêu chí bắt buộc trong chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đồng thời kiểm tra chặt hơn, kịp thời xử lý việc gắn nhãn mã QR sai lệch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Lợi ích của việc TXNG là rất lớn, nhưng thực tế việc triển khai TXNG hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn: một số doanh nghiệp thiếu nhân lực chuyên trách, chưa có nền tảng số phù hợp; trình độ ứng dụng công nghệ còn hạn chế; tâm lý e ngại chia sẻ thông tin chuỗi cung ứng... Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ sát sao hơn nữa từ cơ quan chuyên môn, đồng thời cần tăng cường truyền thông, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số cho rằng: Cần xây dựng một hệ thống TXNG mở, theo hướng dữ liệu có thể chia sẻ, đối soát, liên kết, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, hệ thống rời rạc. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần đóng vai trò điều phối trung tâm, còn doanh nghiệp là chủ thể thực hiện, cộng đồng tiêu dùng là người giám sát. 

Xu hướng tiêu dùng hiện đại đang chuyển mạnh từ ngon - rẻ sang sạch - rõ. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng cảm quan mà còn đặt nặng vấn đề sản phẩm đến từ đâu, được sản xuất như thế nào, có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Trong bối cảnh đó, TXNG trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quyền được biết, được lựa chọn và được bảo vệ của người tiêu dùng. Đẩy mạnh TXNG chính là cách để tạo lập thị trường minh bạch, nâng tầm giá trị sản phẩm bản địa, giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhờ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh báy cáy, kẹo lạc Trường Hằng (xã Nguyên Xá, Đông Hưng) tăng trưởng doanh số bán hàng 20%.

Khắc Duẩn