Thứ 7, 19/04/2025, 15:35[GMT+7]

Xây dựng, thiết kế luật pháp, cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp, linh hoạt, hiệu quả

Thứ 6, 18/04/2025 | 10:44:06
496 lượt xem
Sáng 18/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tại kỳ họp của Quốc hội tháng 5 này, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 63 tài liệu và báo cáo, trong đó 37 luật và các nghị quyết. Đây là số lượng văn bản lớn, quan trọng, tác động toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội và những vấn đề vướng mắc hiện nay trong quá trình thực hiện và thực thi pháp luật. Khối lượng công việc thì nhiều, nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu thì cao, tính chất phức tạp, phạm vi thì rộng, thời gian có ít, mong các đại biểu tập trung, cho ý kiến trực tiếp vào các nội dung. 

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để xem xét các luật, nghị quyết trình Quốc hội, các văn bản khác; ngoài ra còn một số văn bản, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Thủ tướng, công việc tham gia lập pháp rất lớn, phải điều chỉnh một số công việc tổ chức tốt việc thực hiện pháp luật, cụ thể hóa tiếp các luật. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI). 

Thủ tướng lưu ý, luật đã ban hành phải xây dựng các nghị định, thông tư để thực hiện. Điều này phản ánh đúng thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", do đó phải ưu tiên dành nhiều thời gian công sức để tháo gỡ, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Tuần trước, tại Phiên họp Chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã làm khẩn trương, thông qua 6 dự án Luật Nghị quyết để trình Quốc hội. Phiên họp này là phiên họp thứ hai trong tháng để bàn công tác pháp luật. Đây là việc vừa quan trọng, vừa cấp bách, vừa có tính chất tháo gỡ, nhằm thảo luận 5 dự án luật, nhằm tạo bước đột phá về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi sức sản xuất của đất nước trong lúc này. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp vẫn kêu thể chế còn vướng mắc nhiều, phải đi quá nhiều cơ quan để giải quyết một vấn đề; quyết định ban hành các chính sách còn chậm; luật vừa sửa xong, vừa ban hành đã thấy vướng mắc, rõ ràng là việc chuẩn bị sửa đổi chưa sát thực tế. 

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng nêu rõ, thực tiễn diễn biến rất nhanh, cho nên càng làm chậm thì ngày càng vướng mắc. Hiện nay, mọi việc phải nhanh, có tính quyết đoán, chần chừ là mất cơ hội. Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, càng khó khăn như diễn biến tình hình thế giới càng cho thấy Đảng ta xác định chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức đúng đắn.    

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng nhấn mạnh, phải khẳng định không có thị trường duy nhất, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là duy nhất, cho nên phải năng động, linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện hiện nay mới đáp ứng yêu cầu; các bộ, ngành, địa phương rất chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng luật pháp; đòi hỏi tư duy phải rất mới, phải vượt khỏi tư duy bình thường; tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận xử lý vấn đề thực tiễn hiện nay phải nhanh, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, theo sát thực tiễn, nếu không là lạc hậu, bỏ lỡ cơ hội; linh hoạt, sáng tạo trong quá trình hội nhập; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Các đại biểu tham luận tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng khẳng định, hiện nay, tình hình rất khó khăn nhưng khó khăn của hôm nay chưa sánh bằng những khó khăn của đất nước, dân tộc đã trải qua suốt 80 năm qua. Năm nay, chúng ta đã đặt ra mục tiêu phát triển cao hơn rất nhiều trong bối cảnh thế giới đang hết sức khó khăn. Do đó, phải bình tĩnh, kiên trì, sáng tạo, linh hoạt; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phát huy tối đa những thuận lợi, điểm đồng, lợi ích chung trong quan hệ quốc tế; hạn chế tối đa những điểm bất đồng, tìm ra những con đường thuận lợi nhất. Cần quán triệt tinh thần này trong thiết kế các khung chính sách, các luật. Thực tiễn đã vượt qua, phát sinh thì phải nhanh chóng sửa đổi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì phải tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn là khách quan.

Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng là tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; Trung ương chỉ làm những việc Trung ương biết, tránh tình trạng “không biết mà vẫn quản”, Trung ương quản bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, nhất là chúng ta đang xúc tiến thực hiện chính quyền 2 cấp; phải tích cực cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ; cấp nào làm tốt nhất thì giao cấp đó, quyền hạn; tăng cường trách nhiệm cho các cấp; thực hiện đúng tinh thần quản lý nhà nước, thiết kế luật pháp, thiết kế cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực, đi giám sát, kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật. Những việc gì mà người dân, doanh nghiệp làm tốt hơn thì giao người dân, doanh nghiệp làm. Số hóa quản lý bằng công cụ chuyển đổi số, giảm tiếp xúc con người, giảm tiêu cực, phiền hà; cố gắng phát triển môi trường mạng; đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Theo: nhandan.vn

  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày