Vượt chông gai nhờ bánh gai
Bánh gai Tân Hòa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bánh gai cụ Tần
Tân Hòa ngày nay có nhiều hộ làm bánh gai nhưng ngon nổi tiếng và lâu đời nhất ở đây vẫn là bánh gai cụ Tần. Theo chỉ dẫn của các cụ cao niên thôn Đại Đồng, chúng tôi tìm đến gia đình ông Đỗ Đức Tiến, cháu ngoại của cụ Tần. Nhiều năm trước, ông Tiến cũng là một trong những chủ cơ sở sản xuất bánh gai lớn nhất xã, nhưng bây giờ sức yếu, ông không làm nghề nữa. Ông Tiến bảo chẳng biết chính xác nguồn gốc bánh gai Tân Hòa ra đời từ năm nào, chỉ biết hàng trăm năm trước, cụ Tần - bà ngoại ông đã biết làm bánh gai và truyền lại cho mẹ ông, rồi mẹ ông lại truyền lại cho anh em ông. Thời ông Tiến còn nhỏ thì cả xã Tân Hòa chỉ có nhà ông biết làm bánh gai, sau mới nhân rộng ra nhiều hộ.
Nhớ lại trước kia làm bánh gai thủ công hoàn toàn, ông Tiến kể: Để làm bánh gai đúng thương hiệu “cụ Tần”, gia đình ông phải kỳ công, tỷ mỷ. Thời ấy, đời sống nhân dân còn khó khăn, cây lá gai, nguyên liệu chính để làm bánh gai cũng khan hiếm. Gia đình ông phải sang tận các vùng ven biển Nam Định, nơi ngư dân trồng cây gai để lấy tơ đan lưới vó, mới mua được lá gai. Lá gai mua về phải phơi khô, nhặt sạch từng cuộng lá, gân lá, rồi đem ngâm nước khoảng 1 ngày và được vớt lên rửa sạch cho vào nồi bung, có khi phải ủ trấu cho thật nhừ. Lá gai sau khi bung xong lại được mang ra rửa sạch, ép khô rồi mới cho vào cối đá giã nát tinh thành bột. Bánh gai ngon cũng kén gạo nếp cái hoa vàng không pha trộn. Bí quyết để bánh gai cụ Tần ngon là bởi gạo sau khi ngâm được cho vào cối giã mịn rồi dùng tấm vải màn rây lấy bột chứ không xay. Các công đoạn này đòi hỏi người làm bánh phải có sức khỏe, chủ yếu là nam giới đảm nhận. Lá gai và bột gạo sau khi sơ chế được trộn với đường phên bào mỏng để làm cùi bánh. Nhân bánh ngày xưa thường chỉ có đỗ xanh, mỡ khổ, đường, dừa sợi và dầu chuối. Để bánh ngon, chị em phụ nữ phải khéo léo nặn cùi bánh sao cho thật mỏng, thật đều nhưng bọc được nhiều nhân đỗ bên trong và nhất thiết phải dùng lá chuối khô làm vỏ bánh. Vị ngọt thanh của đường, béo ngậy của mỡ, thơm nhẹ chút dầu chuối, man mát thơm mùi lá chuối khô khiến bánh gai cụ Tần mang hương vị dân dã nhưng đậm đà, khó quên.
Ông Tiến cho biết, làm thủ công hoàn toàn bánh gai rất ngon nhưng làm giỏi và quen tay, cả gia đình ông cũng chỉ làm được ngót một trăm cái bánh/ngày. Sau này, từng bước áp dụng máy móc nên sản lượng tăng lên và nhiều hộ trong thôn, trong xã có điều kiện để học và làm nghề nhờ đó duy trì được nghề làm bánh gai truyền thống.
Bánh gai giúp dân vượt chông gai
Cơ sở sản xuất bánh gai lớn nhất xã hiện nay là của gia đình chị Ngô Thị Hồng Nhung, thôn Đại Đồng. Chị Nhung cho biết: Trước kia chỉ cấy lúa, gia đình chị rất nghèo. Từ năm 1994, chị học hỏi cách làm bánh gai, mở cơ sở sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và từng bước đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy nghiền bột, nồi xôi bánh bằng điện, máy rửa lá… Đến nay, mỗi ngày cơ sở của gia đình chị sản xuất từ 1.500 - 2.000 chiếc bánh gai vào mùa đông và khoảng 1.000 - 1.200 chiếc bánh gai vào mùa hè, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ giúp gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế vươn lên làm giàu, mà nhiều năm qua, cơ sở của chị Nhung còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho gần chục lao động. Bà Vũ Thị Vườn, thôn Đại Đồng chia sẻ: Gia đình bà cấy vài sào ruộng, tranh thủ lúc nông nhàn bà thường tham gia gói bánh cho nhà chị Nhung hoặc cơ sở sản xuất nào cần. Đến nay, bà đã gắn bó với nghề gói bánh gai gần 20 năm, mức thu nhập trung bình hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng góp phần để bà có thêm chi phí sinh hoạt gia đình, nâng cao đời sống.
Tương tự chị Nhung, nhiều gia đình ở Tân Hòa đã thoát nghèo và làm giàu nhờ năng động, nhạy bén phát huy nghề truyền thống. Đồng chí Vũ Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Hiện xã có trên 30 cơ sở sản xuất bánh gai, thu hút gần 100 lao động, trong đó nhiều cơ sở sản xuất thu hút từ 4 - 5 lao động, thậm chí cả chục lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng như gia đình chị Nhung, chị Mến (thôn Đại Đồng), anh Dũng, anh Phú, anh Bốn (thôn Tường An)… Nghề sản xuất bánh gai phát triển chủ yếu do bà con tự học hỏi, giúp đỡ nhau mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, nhờ năng động nhạy bén khai thác thị trường và đầu tư máy móc nâng cao hiệu quả sản xuất nên đến nay hầu hết các hộ sản xuất bánh gai đều sản xuất ổn định, thu nhập mỗi năm đạt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ. Bánh gai Tân Hòa không chỉ là món quà quê mà hiện nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh, cạnh tranh được với nhiều sản phẩm quà biếu khác để có mặt ở các siêu thị, đại lý, cửa hàng tự chọn lớn.
Cùng với các ngành nghề khác, nghề sản xuất bánh gai đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Hòa giảm nhanh từ 8,14% năm 2010 xuống 2,51% năm 2015; thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 29,4 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, đời sống nâng cao tạo động lực để nhân dân thi đua đóng góp tiền của, công sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, từ năm 2011, xã đã huy động tổng kinh phí trên 65,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 27,7 tỷ đồng xây dựng 163 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 40km và hàng loạt các công trình công cộng khác đưa Tân Hòa về đích nông thôn mới tháng 12/2015. Đến nay, bánh gai trở thành đặc sản vùng quê cách mạng Tân Hòa.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị