Khắc khoải nghề thêu làng Son
Mẹ con chị Lụa (thôn Nguyên Kinh 1, xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương) tranh thủ ngồi thêu những lúc rảnh rỗi.
Chúng tôi tìm về làng Son (nay là thôn Nguyên Kinh 1 và Nguyên Kinh 2), nơi đã được UBND tỉnh chứng nhận làng nghề thêu từ năm 2005. Theo ông Trần Thế Tư, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng, không rõ từ khi nào nghề thêu đã xuất hiện tại làng Son. Nhưng đời này truyền đời khác, những cô gái làng Son từ khi mới mười lăm, mười sáu tuổi đã biết cầm kim thêu. Những năm đầu thế kỷ XXI, nghề thêu mang lại nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Thời điểm ấy, làng Son có khoảng 15 cơ sở thêu, tạo việc làm cho 700 - 800 lao động với thu nhập bình quân hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo ông Tư, ở thời điểm đó, mức thu nhập này đã góp phần giúp kinh tế nhiều gia đình khá lên trông thấy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, từ sau năm 2008, nghề thêu ở làng Son gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Việc ít, thu nhập giảm khiến nhiều người bỏ nghề. Từ chỗ có 15 cơ sở thêu, dần dần làng Son chỉ còn 4 cơ sở hoạt động cầm cự, duy trì khoảng vài trăm lao động làm nghề.
Bà Nguyễn Thị Nghiên (thôn Nguyên Kinh 1) là một trong ít người còn bám trụ với nghề thêu. Thấy căn nhà vắng vẻ, chúng tôi ngạc nhiên, bà Nghiên giải thích: Lúc trước ở đây đông lắm, khung thêu phủ kín ba gian nhà. Nhưng giờ người thêu ít, lại chỉ tranh thủ làm lúc nông nhàn nên họ nhận hàng về nhà để thêu. Ở đây chỉ có mình tôi thêu vào những lúc rảnh rỗi. Hiện cơ sở của bà Nghiên có khoảng 40 nhân công, doanh thu mỗi tháng từ 50 - 70 triệu đồng. “Công nhân thêu bây giờ thu nhập thấp. Ai thêu tích cực lắm cũng chỉ được 2 triệu đồng một tháng nên họ cũng không mặn mà với nghề. Cứ đà này thì chỉ vài năm nữa làng Son này sẽ mất nghề thêu” - bà Nghiên trăn trở.
Để minh chứng cho điều mình nói, bà Nghiên dẫn chúng tôi đến nhà một người thợ thêu. Chị Lụa năm nay hơn 40 tuổi, đang ngồi bên khung thêu cùng con gái học lớp 7. Những bàn tay cứ miệt mài đưa mũi kim tạo nên những đường chỉ đều đặn, mịn màng và thanh thoát. Thêu quả là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tính cẩn thận và sự cần mẫn với nghề. Không rời tay khỏi mũi kim, chị Lụa cho biết: Nghề này đòi hỏi sự bền bỉ và siêng năng. Nhưng mình thêu theo kiểu tranh thủ lúc nông nhàn nên phải tận dụng mọi lúc có thể mà thu nhập vẫn bấp bênh lắm. Mình còn sức khỏe thì tranh thủ làm kiếm thêm chút đỉnh chứ vài năm nữa yếu đi rồi thì cũng phải bỏ nghề thôi. Khi được hỏi có truyền nghề cho con gái không, chị lắc đầu: Con cái biết thêu là do mình bắt học chứ chúng cũng có thích thêu đâu. Thu nhập chẳng đáng là bao, tụi nhỏ chỉ muốn phấn đấu làm ngành nghề khác thôi.
Nỗi trăn trở mất nghề của người làng Son không phải không có cơ sở. Toàn bộ lao động còn làm nghề hiện đều đã ở độ tuổi xấp xỉ 50. Không có lực lượng lao động trẻ kế tiếp, số người làm nghề thêu lại giảm dần sau mỗi năm. Chủ các cơ sở thêu ở đây cho biết, vài ba năm nay, đơn hàng nhiều hơn nhưng không dám nhận vì không có nhân công. Người trẻ biết thêu đều đã đi làm nghề khác, thu nhập gấp hai, ba lần nghề thêu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các cơ sở thêu ở làng Son đều chỉ nhận hàng gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở nơi khác. Cả xã Minh Hưng không có cơ sở thêu nào dám mạnh dạn vươn ra tìm kiếm thị trường hay làm việc trực tiếp với các đối tác nhập khẩu. Hàng gia công xong còn qua nhiều khâu trung gian nên thu nhập của người lao động thấp. Người làng Son cầm kim thêu giỏi hơn đi cấy nhưng nghề thêu có nguy cơ thất truyền cũng bởi lẽ đó. Sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng như các tổ chức nghề nghiệp là rất cần thiết vào lúc này để đưa ra những giải pháp kịp thời, thiết thực, giúp nghề thêu ở làng Son tiếp tục được duy trì và phát triển.
Thanh Huê
Tin cùng chuyên mục
- Sắc xuân trên làng hoa, cây cảnh ở Đông Hưng 17.01.2025 | 08:56 AM
- Làng hoa cây cảnh Quỳnh Hồng tất bật vào tết 30.12.2024 | 16:03 PM
- Vườn đào Minh Tân vào mùa tuốt lá 09.12.2024 | 08:43 AM
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả