Chủ nhật, 13/04/2025, 00:57[GMT+7]

Thái Bình giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và các tiềm năng hợp tác tại Pháp

Thứ 6, 11/04/2025 | 12:15:10
3,896 lượt xem
Nhân dịp tỉnh tham dự các hoạt động bên lề kỳ họp của UNESCO liên quan đến hồ sơ đề cử danh nhân văn hoá Lê Quý Đôn, ngày 10/4, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở Paris, tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị giới thiệu về danh nhân Lê Quý Đôn và quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch.

Tiến sĩ Phan Mạnh Dương giới thiệu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và ảnh hưởng của danh nhân Lê Quý Đôn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết Thái Bình là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế năng động động của Việt Nam và đang có sự phát triển mạnh mẽ. Thái Bình còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhưng vẫn có những nét riêng độc đáo của địa phương, là quê hương của nghệ thuật chèo và nhiều lễ hội truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch Phạm Văn Nghiêm, chuyến công tác tại Pháp là dịp để tỉnh Thái Bình truyền tải, quảng bá về hồ sơ danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đang đệ trình UNESCO cùng phối hợp kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1726-2026).

Lê Quý Đôn, sinh ra tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là nhà bác học lớn nhất của Việt Nam ở thế kỷ XVIII và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác, ông đã để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách bao quát hầu hết các tri thức đương thời như: lịch sử, địa lý, thi ca, nhiều tác phẩm khảo cứu, diễn nghĩa, chú giải, bàn giảng các kinh điển, cổ thư và nhiều tác phẩm thơ Nôm.

Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, phát biểu tại hội nghị.

Qua hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Thái Bình mong muốn đại diện các tổ chức, đối tác Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về danh nhân văn hoá Lê Quý Đôn của Việt Nam.

Ngoài ra, tỉnh Thái Bình mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác về văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, trao đổi nguồn nhân lực và các hoạt động sự kiện văn hoá với các đối tác của Pháp, cũng như tìm hiểu thêm về cơ hội hợp tác phát triển về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu….với các đối tác của Pháp.

Phó Chủ tịch Phạm Văn Nghiêm khẳng định cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá, du lịch với các đối tác của Pháp và hợp tác về kinh tế, tăng cường xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai bên trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng Lê Quý Đôn nhấn mạnh, Lê Quý Đôn được mệnh danh là “túi khôn của thời đại”. Từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, ham học, trí nhớ siêu phàm. Năm 5 tuổi đã đọc Kinh Thi, 12 tuổi đọc hết Bách Gia Chư Tử, 17 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Lê Quý Đôn có nhiều cống hiến to lớn cho nền tri thức Việt Nam. 

Phan Huy Chú từng nhận xét về Lê Quý Đôn: “Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia”. Suốt đời say mê đọc sách, viết sách, Lê Quý Đôn có nhiều cống hiến to lớn cho nền tri thức Việt Nam.

Trân trọng tài năng và để cùng làm sáng danh Lê Quý Đôn, Đại sứ Đinh Toàn Thắng kêu gọi bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trở thành cầu nối để giới thiệu rộng rãi với công chúng về đại danh nhân, đồng thời ủng hộ Việt Nam và UNESCO cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông vào năm 2026.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, bên cạnh có một người con danh tiếng, Thái Bình còn luôn là một mảnh đất ngàn năm văn vật, một trong những cái nôi của văn hóa và văn minh lúa nước Việt Nam, cũng là một mảnh đất giàu tiềm năng hợp tác với nhiều thế mạnh y tế, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Các hoạt động giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và những tiềm năng, lợi thế cho thấy quyết tâm của Thái Bình trở thành một đối tác quan trọng trong hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nói chung cũng như của hợp tác Việt-Pháp nói riêng.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng tin tưởng rằng, với quyết tâm và tiềm năng đó, Thái Bình sẽ có những đóng góp có ý nghĩa vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Pháp được thiết lập nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10/2024, đồng thời tiếp tục là một địa phương có những thành tựu quan trọng đóng góp vào sự vươn mình của dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại hội nghị. 

Sau phần trình bày của Tiến sĩ Phan Mạnh Dương, Nghiên cứu viên, Thành viên Ban soạn thảo hồ sơ Lê Quý Đôn, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có nhiều ý kiến trao đổi về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và ảnh hưởng của danh nhân Lê Quý Đôn.

Chị Nguyễn Thị Sông Hương, Ban Nghiên cứu và Đổi mới thuộc Đại học Sorbonne, Paris, cho biết các học giả Pháp quan tâm đến Lê Quý Đôn ở phương diện là một nhà thư tịch học và nhà khảo cứu lịch sử, địa chí, văn hóa Việt Nam, một học giả xuất sắc của Việt Nam thế kỉ XVIII.

Qua tìm hiểu những ảnh hưởng và việc tiếp nhận tác phẩm của Lê Quý Đôn trong các nghiên cứu và dịch thuật bằng tiếng Pháp, Lê Quý Đôn được đánh giá là nhà thư tịch hàng đầu của Việt Nam, và còn được biết đến ở phương Tây là nhà khảo cứu lịch sử, địa chí, văn hóa với những tác phẩm nổi bật như Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Vân Đài loại ngữ, Toàn Việt thi lục.

Theo: nhandan.vn