Chủ nhật, 25/05/2025, 21:29[GMT+7]

Hội Người mù huyện Tiền Hải thắp sáng niềm tin cho người khiếm thị

Thứ 5, 10/11/2016 | 09:03:26
1,447 lượt xem
Mặc cảm vì khuyết tật nhưng bằng nghị lực sống mạnh mẽ và tinh thần hăng say lao động, không ít người khiếm thị ở Tiền Hải đã vươn lên với quyết tâm thay đổi số phận. Trên hành trình ấy, họ luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Hội Người mù huyện thông qua hoạt động dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.

Anh Lương Văn Điền cùng vợ chăm sóc bò của gia đình.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lương Văn Điền ở thôn Đông Cao 2, xã Tây Tiến. Do tai nạn, nên anh Điền đã mất khả năng thấy ánh sáng từ khi còn nhỏ. Với ý chí vượt lên số phận, anh được Hội Người mù huyện động viên, tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình bằng việc nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình anh đã sở hữu đàn bò 6 con, trong đó có 2 cặp mẹ con và 2 bò sinh sản. Chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình anh đã trả hết nợ, thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Thêm vào đó, gia đình anh còn gieo cấy hơn 2 sào lúa, góp phần tăng thêm thu nhập.

Là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà Vũ Thị Tân ở thôn Phong Nai, xã Đông Phong cho biết: Tôi vốn không may mắn có được đôi mắt sáng như mọi người, cuộc sống phụ thuộc vào gia đình, đôi lúc cảm thấy mình là gánh nặng. Từ khi tham gia vào Hội Người mù huyện, cuộc sống của tôi như bước sang một trang mới, tôi được tạo điều kiện học tập nâng cao kỹ năng sống, phục hồi chức năng, được tham gia lớp xóa mù chữ, học chữ nổi Braille và được học nghề tẩm quất. Hiện nay, tôi đang làm việc tại cơ sở tẩm quất, mỗi tháng có thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng. Bây giờ, tôi đã có thể tự chăm sóc bản thân, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Hội Người mù huyện Tiền Hải hiện có 25 chi hội với 274 hội viên. Những năm qua, Hội luôn chú trọng chăm lo đời sống hội viên thông qua các hoạt động như: phối hợp với Hội Người mù tỉnh dạy chữ nổi giúp nhiều hội viên biết đọc, viết, soạn thảo văn bản bằng máy vi tính, phát triển dịch vụ tẩm quất, tạo việc làm ổn định cho 6 - 8 hội viên với thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài duy trì cơ sở lao động tập trung, Hội còn khuyến khích, tạo điều kiện để hội viên tự mở dịch vụ tẩm quất riêng hoặc làm tại gia đình; lập 11 dự án, tín chấp giúp hàng trăm lượt hội viên vay hơn 1 tỷ đồng làm vốn phát triển kinh tế. Nhờ được vay vốn và học nghề, hội viên đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề thủ công, mở dịch vụ, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Nhiều hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Phạm Văn Quyết, xã Nam Thịnh, anh Lương Văn Điền, xã Tây Tiến…

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Người mù huyện Tiền Hải cho biết: Với mục tiêu xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thời gian tới, Hội sẽ thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục hòa nhập, phục hồi chức năng, dạy nghề, tạo việc làm và chăm sóc đời sống hội viên; tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo thêm nguồn vốn vay cho hội viên; ngoài ra Hội sẽ liên hệ với trung tâm dạy nghề tỉnh, huyện lập các dự án tạo việc làm mới cho hội viên.

Những hoạt động thiết thực của tổ chức hội đã tạo điều kiện để người mù ở Tiền Hải nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình, cùng tham gia lao động sản xuất, tự chăm lo cho bản thân và gia đình, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hội Người mù huyện trở thành mái nhà chung, điểm tựa vững chắc cho những người khiếm thị.

Khánh Hà

  • Từ khóa